Theo quechoablog:
Bài ni bọ viết theo đặt hàng của một tờ báo. Chẳng ngờ sáng ni được một biên tập viên cho biết bài báo đã bị ách lại. Biên tập viên thư giải thích cho bọ: “Cụ thể là sau khi báo TT ngày 2/11 tường thuật vụ bùng nổ Vinashin tại QH, hoan hô ĐB Nguyễn Minh Thuyết, bề trên triệu tập ngay một cuộc họp khẩn cấp để chấn chỉnh. Các TBT sợ thót dái, không dám ho he gì về chuyện ông Thuyết với Viashin nữa. Ôi, cái đất nước mình!”. Một bài báo không được đăng không có vấn đề gì, nhưng mà buồn, buồn quá cho đất nước mình.
Bài phát biểu của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết tại Quốc hội hôm 1/11 vừa rồi gây một tiếng vang trong công chúng, không phải chỉ vì tính trung thực và thẳng thắn mà nó còn chạm đến những vấn đề cốt lõi của văn hoá nghị trường.
Chọn vấn đề Vinashin cho 7 phút phát biểu của mình, ông Nguyễn Minh Thuyết đã khẳng định Vinashin “thực sự là nó đã sụp đổ” và ông truy cứu trách nhiệm: “ Các thành viên Chính phủ có liên quan phải kiểm điểm và nhận kỷ luật trước Quốc hội, cơ quan đại diện nhân dân cả nước bầu ra mình; không thể chỉ nhận khuyết điểm một cách chung chung và tuyên bố đã kiểm điểm nội bộ là rũ xong trách nhiệm.” Ông còn đề xuất: “Quốc hội biểu quyết thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này, trên cơ sở đó, vào thời gian cuối kỳ họp, bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan”. Quả thực từ trước tới nay chưa ai dám nói và nói được như ông.
Văn hoá nghị trường bao gồm minh bạch thông tin, thông tin minh bạch, văn hoá tranh luận, truy cứu trách nhiệm và văn hoá từ chức. Có thể nói Quốc hội ta đã có một bước tiến dài trong văn hoá nghị trường. Từ chỗ chỉ biết đồng thuận, hình ảnh những cánh tay đồng thuận đồng loạt dơ cao được coi như mẫu mực của tính ưu việt, đến việc chấp nhận tranh luận, công khai việc tranh luận và đi đến những cuộc bỏ phiếu thực chất đã cho thấy Quốc hội đang dần thực sự là của dân, do dân và vì dân. Rất đáng mừng.
Chúng ta không còn sợ “địch lợi dụng” khi minh bạch thông tin. Thực tế một khi mọi thông tin đều minh bạch, không có gì là úp mở, giấu đầu hở đuôi thì khi đó “địch” mới khó bề lợi dụng, chứ không phải ngược lại. Các cuộc tranh luận tại Quốc hội được truyền hình trực tiếp trong nhiều năm qua đã chứng minh điều đó, “ địch” đã hết đường xiên xỏ còn niềm tin dân chúng ngày một củng cố và nâng cao.
Tuy nhiên để tiến tới một văn hoá nghị trường như mong muốn, một văn hoá nghị trường đích thực, chúng ta cần phải nổ lực nhiểu hơn nữa. Minh bạch thông tin đã có nhưng chưa nhiều, còn thông tin minh bạch thì hãy còn là một ẩn số. Trong vụ Vinashin chẳng hạn, con số nợ là 80 nghìn tỉ, 100 nghìn tỉ hay 120 nghìn tỉ? Vì sao 8 lần thanh tra không phát hiện được sai lầm của Vinashin? Vì sao “ bận trăm công nghìn việc nhưng Thủ tướng vẫn cứ phải quản lý các doanh nghiệp lớn như vậy” như câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Loan đưa ra khiến ta chưa thể an tâm về cái gọi là thông tin minh bạch.
Có hai vấn đề cốt lõi của văn hoá nghị trường mà chúng ta chưa làm được, ấy là việc bỏ phiếu tín nhiệm chưa là việc bình thường và văn hoá từ chức hảy còn quá xa vời. Qui định phải có đủ 20% đại biểu Quốc hội đề nghị mới tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đã làm cho việc bỏ phiếu tín nhiệm tuồng như không xảy ra khi có đại biểu yêu cầu. Trong khi đó văn hoá từ chức hầu như không có trong “từ điển” của các ông quan lớn nhỏ, ngay cả việc bãi nhiệm, cách chức cũng rất khó xảy ra. Có lẽ vì thế mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thừa nhận “ Ba năm nay tôi không kỉ luật một ai”, thủ tướng Phan Văn Khải thì than thở: “Công tác cán bộ nhiều khi vượt khỏi tầm tay”.
Cho nên với phát biểu của ông Nguyễn Minh Thuyết, văn hoá nghị trường nước nhà chưa bao giờ sáng tỏ như lúc này. Thật đáng mừng. Mừng đó rồi lo đó khi một đại biểu phản bác lại bằng thứ lý lẽ cũ kĩ, lạc hậu: “Không nên làm rối tình hình, dễ khiến kẻ xấu lợi dụng”. Nếu đây không phải là tiếng nói lạc lõng giữa nghị trường, nếu văn hoá tranh luận lấy quy chụp và suy diễn làm căn bản vẫn còn được số đông ủng hộ, thì văn hoá nghị trường vẫn còn kẹt cứng, đóng băng, chưa mong có ngay khai thông, mở cửa. Đó chính là nỗi lo lớn.