Một thời đại vinh quang và cay đắng. Thời đại của những anh hùng chiến bại. Thời đại của những người anh hùng phong kiến và nông dân, chống gươm gục ngã dưới làn đạn đại bác của bọn Tây dương, chết mà còn uất hận vì bất lực, vì ngỡ ngàng và thất vọng, chết vì lòng trung muôn thuở của lớp nhà nho ôm chí “tang bồng hồ thỉ” không thành. Chết tuy biết vì sao mình chết, do đâu mình chết mà không làm gì được. Chết một lần dưới làn đạn Tây dương. Chết thêm một lần về tinh thần bởi lòng trung bị khủng hoảng, bị phản bội, ấy là thời đại của những con người như Hoàng Diệu, ấy là những anh hùng cứu nước như Hoàng Diệu.
Hãy nghe lời ai oán của Hoàng Diệu, trong bài Di biểu, viết ngày 25 tháng Tư năm 1882, ngày đau thương của toàn dân Hà Nội nói riêng, của toàn dân tộc nói chung, ngày Hà thành thất thủ. Ông căm thù giặc Pháp. Ông oán trách triều đình nhu nhược, đớn hèn. Nhưng đến khi chết, ông vẫn mong những kẻ nhu nhược đớn hèn ấy, cả đấng chí tôn của ông, hiểu ông, cảm thông với ông, thâu nhận ông:
“Mấy dòng lệ máu, muôn dặm cửa trời, chỉ mong rực rỡ đôi vầng, xét thấu tấc gang là đủ”. Chỉ thế thôi. Ít ỏi, nhưng là tất cả, với một thần dân, một “bậc đại phu giữ bờ cõi”, về cái chữ “trung” cay nghiệt trói buộc con người ta. Và như thế, cũng đủ thấy ông trống trải, hoang mang, tuyệt vọng đến mức nào. Thất vọng vì vua, mà cũng hy vọng vào vua. Thật là mâu thuẫn.
Ông chết vì trung với vua chăng? Vì ông cố làm một tôi trung như bao tấm gương trung thần nghĩa sĩ trong sử sách ghi lại chăng? Câu chữ, giọng điệu của bài Di biểu có vẻ là như vậy. Mà lại có vẻ không là như vậy.
Ông không phủ nhận lòng ông vì vua. Mà ông cũng không giấu giếm rằng ông không theo ý vua. Có cái trắc trở ở ông nơi chọn câu, chọn chữ để nói cho hợp với khẩu khí nhà nho, khẩu khí kẻ trượng phu của một nước có vua hẳn hoi. Mà vẫn không nén được phải nói trắng ra những hậm hực, cay đắng của lòng mình, một con người phải sống và hành động theo trái tim mình, theo lý tưởng của mình, chứ không phải bị câu thúc bởi một thứ nhãn hiệu hình thức nào khác.
Có trăn trở, đó là cái trăn trở để tìm cách nói cho hợp khẩu khí nhà nho. Còn trong lòng ông đã sẵn một sự quyết định dứt khoát và rành mạch con đường hành động. Tuy nhiên, đó đâu phải là những quyết định dễ dàng. Đó là cả một cuộc đấu tranh, dằn vặt, căng thẳng trong mỗi con người mang tiếng kẻ sĩ thời này. Đó là sự rời bỏ những mệnh đề luân lý sơ cứng, hơn thế, những mệnh đề sống quan trọng nhất, mà cũng máy móc nữa, của con người được gói gọn trong mấy chữ của nho gia về lẽ cương thường.
Hoàng Diệu ở trong hoàn cảnh ấy – hoàn cảnh mà người ta không thể máy móc thực hiện mọi điều tiên thánh, tiên nho dạy. Trong một hoàn cảnh lịch sử hết sức cay nghiệt này, có khi người ta phải lựa chọn một trong hai con đường, mà sự lựa chọn nào cũng dường như là quá sức, hoặc là trở thành kẻ ngu trung, theo vua, hàng giặc; hoặc là trở thành người chống giặc, cứu nước, nhưng lại cam chịu tiếng nghịch thần.
Đã đành là kẻ sĩ thì phải luôn tâm niệm:
Hễ làm người chớ ở hai lòng; đã vì nước phải theo một phía
Trước làm nghĩa, sau cũng làm nghĩa, trước sau cho trọn nghĩa vua tôi.
(Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây)
Điều đó thật dễ dàng trong thời có những đấng “minh quân”, trong buổi thịnh trị, khi mà vua tôi trên dưới một lòng. Nhưng điều đó thật khó đối với kẻ sĩ Việt Nam ở cuối thế kỷ XIX, khi mà ông vua, dù muốn dù không, dù lý do này hay lý do khác, ít nhiều đã tách khỏi dân, khỏi nước, thì kẻ sĩ chân chính cũng khó có thể tuân theo.
Không phải ngẫu nhiên mà ở thời kỳ này, câu nói của Khổng Tử: “Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” (Thấy việc nghĩa không làm không phải là người dũng vậy) lại được đề cao một cách nhiệt liệt đến thế. Hầu như nhà nho yêu nước nào cũng nói tới nó. Hầu như sĩ phu, dũng sĩ nào cũng nói tới nó. Nó là nguyên tắc sống cao nhất của mọi người, kể cả người có học và kẻ quê mùa. Hơn nữa, đó cũng chính là chỗ dựa tinh thần của những con người vốn là sản phẩm của tư tưởng Nho giáo, của thời đại Nho giáo đã cuối mùa, đã mất hết sức sống trên phạm vị thế giới. Nhưng họ là Nho sĩ, mà là Nho sĩ thì không thể làm việc gì mà không có danh nghĩa. Mà lại phải là danh nghĩa chính đáng, “danh chính ngôn thuận”. Cái danh chính ấy là chữ “Nghĩa” của tiên thánh tiên Nho, vì đó là lời tiên thánh tiên Nho. Nó trở thành triết lý sống, là cứu cánh tinh thần của kẻ sĩ trong thời loạn.
Bởi vậy, đây là thời đại của những người anh hùng vì nghĩa mà hành động, vì nghĩa mà trung hay bất trung với vua, vì nghĩa cũng là vì dân, vì nước. Và vì nghĩa mà cái tiếng “bất trung” lại như được cảm thông, chia sẻ, thậm chí được chiêu tuyết. Bởi thế mới có một Trương Định: “Theo bụng dân phải chịu tiếng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại” (Nguyễn Đình Chiểu); một Nguyễn Duy Cung: “Thà làm ma có hồn trung vía nghĩa”; một Nguyễn Cao: “Thà chết đi cùng trời đất đi về”; một Hồ Huân Nghiệp: “Việc nghĩa phải làm, không kể đến thành bại”… Vì nghĩa chứ không phải vì cái gì khác mà những kẻ sĩ, những anh hùng thời đại này đã xông lên và ngã xuống dưới làn đạn của bọn Phú Lãng Sa xâm lược, và dưới cả búa rìu tinh thần của triều đình phong kiến nhu nhược, đớn hèn. Họ ngã xuống cho sự sống của cả dân tộc.
Biết bao tấm gương anh hùng hy sinh vì nghĩa đã làm sáng dậy một thời kỳ đen tối, mà trong đó, Hoàng Diệu rực rỡ như biểu tượng của tinh thần chiến đấu chống Pháp của cả thời đại. Tên tuổi Hoàng Diệu gắn liền với Hà Nội, với đất nước, trong cuộc chiến đấu sinh tử bảo vệ mảnh đất thiêng liêng này của dân tộc. Tấm gương Hoàng Diệu hy sinh vì nước đã khích lệ lớp lớp anh hùng đứng lên chống Pháp. Ngày 25 tháng Tư năm 1882 là ngày “quỷ khốc, thần sầu” trên thành Hà Nội, và cũng chính là ngày người anh hùng Hoàng Diệu biểu hiện rực rỡ tinh thần và khí phách quyết chiến của mình trước một đội quân xâm lược tàn ác và một triều đình run sợ.
Chỉ còn lại một bài Di biểu của Hoàng Diệu ghi lại vội vàng những nỗi niềm đau đớn của ông trước giờ tự tận, khi giặc phá được thành. Trong đó chất chứa bao hờn căm với lũ giặc ngoại xâm, lời oán trách đến chảy máu triều đình nhu nhược, u mê, phơi bày một tấm lòng son sắt tuyệt vời với dân với nước. Con người ông cứ tự hiện lên, rờ rỡ, lớn lao trên từng chữ, từng câu, thống thiết và cay đắng:
“Tôi từ khi vâng mệnh ra đây, đã được ba năm, thường huấn luyện quân sĩ, sửa sang thành trì, không những chỉ để củng cố đất ta, mà còn để ngăn chặn loài lang sói nữa. Ngờ đâu chim còn đang ràng tổ, thú đã vội thay lòng, ngày tháng Hai năm nay bỗng thấy tàu Tây tụ tập, dồn quân thêm nhiều, quân nó từ xa đến, lòng dân ta xôn xao. Tôi thiết nghĩ Hà Nội là cổ họng của miền Bắc, mà là đất trọng yếu của nước nhà, nên một khi mà sụp đổ, thì các tỉnh khác cũng tan rã theo, vì thế tôi lấy làm lo sợ, một mặt kíp tư cho các hạt lân cận, một mặt báo tin lên triều đình, xin cho thêm quân để kịp đối phó”.
Một tinh thần chiến đấu chống xâm lược thật quyết liệt và mạnh mẽ. Thế nhưng nỗi niềm ghi lại trong Di biểu lại là nỗi đớn đau, không phải vì giặc mạnh nên ông chống giữ không nổi, mà là vì triều đình, vì đám quan tướng triều đình nhút nhát hèn đớn chịu khoanh tay trước giặc dữ:
“Không ngờ mấy lần có chiếu xuống, hoặc trách tôi nắm binh quyền mà lòe nạt, hoặc kết tội tôi là xử lý không được thích nghi, cúi đọc lời phán truyền, thực nghiêm khắc hơn rìu búa! Kẻ dưới quyền thất vọng, khôn tính bước tiến lui”.
Đặt trong bối cảnh này, có thể xem nhận xét của Trần Văn Giàu trong Lời giới thiệu bộ Hợp tuyển thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX(1) là thích hợp: “Mối nguy cơ chính của dân tộc là triều đình Huế”. Hoàn cảnh Hoàng Diệu cũng là hoàn cảnh chung của mọi sĩ phu yêu nước chống Pháp thời kỳ này. Người ta không sợ súng đạn giặc Pháp: “Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào liều mình như chẳng có” (Nguyễn Đình Chiểu). Mối lo là những búa rìu do triều đình giáng xuống làm ly tán lòng người, làm nhụt chí chiến đấu. Làm cho người ta hoang mang, không đồng lòng, đồng sức đánh giặc. Tác giả khuyết danh của bài thơ Mất thành Hà Nội đã viết về khí tiết lẫm liệt, về cái chết trong bất lực và oán giận của Hoàng Diệu với triều đình cùng đám quan lại sợ chết lúc bấy giờ:
Trái phá Tây chăm chực bắn vào,
Chỉ không cho đánh, biết làm sao?
Ngọn cờ tướng lệnh oai linh gượng,
Chén rượu Đông môn khảng khái phào.
Uất khí Nùng sơn cây muốn cựa,
Thương tâm Nhị thủy sóng tranh xao,
Rặng hoa Võ Miếu rơi thơm mãi,
Sống trộm ghê trông thẹn biết bao.
Trong một bài chiếu dụ văn thân, vua Tự Đức đã công khai dọa nạt, ngăn cấm các nghĩa binh và sĩ phu tham gia đánh Pháp. Ông ta nói: “Bàn hòa là người có công, bàn chiến là kẻ có tội, pháp luật thực là đúng đắn”. Vua ngăn dân đánh giặc! Vua khen kẻ “cầu hòa” là để… giữ nước!
Đã qua rồi cái thời “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước giúp sức” cùng kháng chiến, như xưa kia Trần Quốc Tuấn yêu cầu. Đã qua rồi cái thời quân tướng “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” như Nguyễn Trãi nếm trải. Đã qua rồi cái thời những ông vua – chiến sĩ khích lệ lòng tướng ở hội nghị Bình Than, khích lệ lòng dân ở hội nghị Diên Hồng dưới triều Trần… Một sự nhu nhược, đớn hèn ít nhiều có thể còn có sự o ép của thời cuộc. Vua thì thế, còn quan tướng của triều đình, như Hoàng Diệu thấy: “Quan võ thì sợ giặc chạy trốn từng đàn, quan văn nghe gió cũng chạy theo nốt”. Trước tình thế ấy, Hoàng Diệu không thể theo ý vua, không thể theo ý các quan trong triều được: “Hàng ngày bàn bạc với đôi ba người chức việc, có người bàn nên mở cổng cho chúng tự do ra vào; có người bàn nên rút hết quân đi, để chúng khỏi ngờ vực. Những kế đó dù tôi có phải thịt nát xương tan cũng không bao giờ nỡ làm”. Đó cũng là thái độ của các văn thân yêu nước đương thời đối với chiếu dụ của Tự Đức: “Thánh chỉ nói như thế, há không phải có ý quý âm rẻ dương, theo tà làm loạn chính đấy ư?” (Hịch văn thân Hà Nội gửi văn thân Nam Định).
Hoàng Diệu tự tận, vì biết sức kiệt thế cô, vì tỉnh ngộ một sự thật phũ phàng, đó là sự đầu hàng của triều đình Huế trước lũ giặc cướp nước. Ông nhìn thấy sự thất bại của sự nghiệp mình, cũng như những người đồng chí hướng với mình. Chỉ có cái chết mới giúp ông trốn khỏi nỗi tuyệt vọng của một người quá kiêu hãnh, quá hăng hái giúp đời, giúp nước. Cái chết sẽ giải thoát cho ông khỏi những ân hận và sự bất lực của người “sĩ quân tử” trong cơn dâu bể, biểu hiện một thái độ tuyệt đối “bất cộng đái thiên” với lũ giặc cướp nước: “Nơi trung thổ trở nên đất địch, sống thẹn cùng nhân sĩ Bắc Hà; lòng cô trung thề với thành Long, chết mong theo Nguyễn Tri Phương dưới đất” (Di biểu).
Hoàng Diệu mất. Giặc Pháp chiếm thành. Kể từ hôm ấy, ngày 25 tháng Tư năm 1882, đến hơn 60 năm sau, ngày 19 tháng Tám năm 1945, thành Hà Nội mới trở lại về tay người Việt Nam, sau bao hy sinh mất mát, bao máu và nước mắt. Giặc Pháp chiếm thành. Và từ đây, Hà Nội trở thành nơi tung hoành của những mụ Đội Chóp, những quan Tây, quan ta, những me Tây, những mụ đầm Tây…
Mảnh đất đế đô nghìn năm văn hiến bị giày xéo, thành nơi ăn chơi, hành lạc của bọn cướp nước và bán nước: “Để cho đất Thăng Long là nơi danh thắng, lại thành chim yến sợ phải vào rừng; ngựa Hồ uống nước qua sông, đuổi dồn chim nhạn bay về chằm lớn” (Hịch văn thân Hà Nội gửi văn thân Nam Định).
Đất nước tuy xưa, mà cảnh đã thay. Đó là cảm xúc đau đớn của nhiều nhà thơ viết về Hà Nội, hay những nơi chịu cảnh như Hà Nội. Đó là cảm giác ngỡ ngàng, chống chếnh, cô đơn trong nỗi hoài cổ da diết của thơ Tú Xương, “Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi dò” (Sông Lấp), hay cảm xúc của Nguyễn Khuyến về cảnh “biến cải vũng nên đồi” của Hà Nội những ngày này:
Thập niên thử địa thử trung thu
Thành quách y y cãnh dĩ thù
Bạch chúc hồng đăng mê viễn cận
Tố quan, thanh cái tạp thuỳ ngô
(Mười năm trước đây cũng tiết trung thu ta ở đất này,
Đến nay thành quách vẫn y nguyên, nhưng cảnh đã khác,
Nến trắng, đèn đỏ lấp loáng như gần như xa,
Mũ trắng, lọng xanh, ta với Tây lẫn lộn.)
(Tết trung thu năm Giáp thân ngụ tại HàNội cảm tác, gửi bạn đồng khoa là ông Cử họ Ngô)
Hoàng Diệu mất. Hà Nội lầm than. Nhưng tinh thần và khí phách Hoàng Diệu vẫn sống cùng nhân sĩ và dân chúng Hà Nội, giúp người Hà Nội sức mạnh để sống và chiến đấu. Những bài sử ca ca ngợi chiến công và khí tiết Hoàng Diệu, thái độ của nhân dân đối với giặc Pháp và triều đình nhu nhược. Hoàng Diệu trở thành biểu tượng bất tử của tinh thần chống Pháp của ngươi Hà Nội, của cả dân tộc Việt Nam trong những ngày đau thương, tang tóc ấy. Ca ngợi tấm gương Hoàng Diệu, khí tiết Hoàng Diệu, đó là sự gửi gắm lòng yêu nước của người Hà Nội, của người Việt Nam những tháng năm ấy. Hoàng Diệu trở thành một giá trị biểu trưng cho tinh thần chống Pháp tuyệt đẹp của người Hà Nội, của dân tộc ta. Cũng như biết bao anh hùng khác đứng lên giết giặc cứu nước và hi sinh vì nghĩa lớn, Hoàng Diệu đã hồi sinh trong tâm hồn người Việt Nam, cổ võ tinh thần triệu người đánh giặc. Hoàng Diệu chết mà vẫn đánh giặc:
Sử nhân giai tiên sinh
Hà thành hà chí bĩ?
Duy nhân bất tiên sinh
Hà thành cố nãi nhĩ
Công sinh hữu tử tâm
Công tử hữu sinh khí
Thị phi công luận gian
An túc vi công luỵ
(Nếu mọi người như ông
Hà thành đâu có thế?
Vì mọi người khác ông
Hà thành mới như vậy
Ông sống quyết liều chết
Ông chết vẫn như sống
Người đời bàn phải trái
Không làm luỵ đến ông)
(Điếu Hoàng Diệu tuẫn tiết)
Cực lục thiên thu truyền tiết liệt
Cô thần nhất tử kiến trung can
Thâu sinh tử nhật tâm do quý
Nghịch tặc đương niên cốt dĩ hàn
Thiên tải Nung sơn tiêu chính khí
Anh hùng đáo lệ xứ tương can
(Sử sách nghìn năm còn truyền tiết liệt,
Người cô thần lấy cái chết để tỏ gan trung nghĩa.
Những kẻ sống cẩu thả khi ấy hẳn còn xấu hổ,
Bọn nghịch tặc bấy giờ sợ mất mật.
Nghìn năm núi Nùng còn nêu chính khí,
Khách anh hùng tới đó dòng lệ ngổn ngang.)
(Sĩ tử Hà thành viếng Hoàng Diệu)
Đó là con người “sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc” (Nguyễn Đình Chiểu). Hàng loạt tác phẩm mang đề tài ca ngợi Hoàng Diệu ra đời, cùng biết bao những hình ảnh của bọn quan lại hèn nhát, tham sống, sợ chết được dựng lên, mà đằng sau nó là cả triều đình phong kiến nhà Nguyễn nhu nhược, hèn nhát làm thành cái nền xám xịt cho hình tượng Hoàng Diệu càng thêm cao, thêm sáng, thêm rực rỡ chói lọi.
Thơ văn thời kỳ này ra sức tuyên truyền, kêu gọi sĩ phu, nhân dân chống Pháp xâm lược. Đồng thời nó cũng ra sức tố cáo, phê phán triều đình, quan lại đầu hàng. Đánh Tây. Thì đã hẳn. Đó là cái việc nên làm, là vì nghĩa cả. Đánh vào triều đình, vào vua quan, đó mới là sự táo bạo và cương quyết của nhân dân, đặc biệt là của tầng lớp nhân sĩ trí thức từng được giáo dục công phu về luân thường đạo lý Nho giáo, về bổn phận và trách nhiệm phải tuân phục vô điều kiện “đấng chí tôn”. Người sĩ phu phong kiến thời kỳ này nhận thức rõ họ cần phải chống vua nào và cần phải theo vua nào. Họ chống Đồng Khánh vì Đồng Khánh theo giặc, nhưng họ lại theo Hàm Nghi, vì Hàm Nghi là ông vua kháng chiến, hành động theo yêu cầu của dân tộc. Họ vẫn mang một lòng trung son sắt với vua, nhưng đó phải là “minh quân”, chứ không phải là đám “hôn quân bạo chúa”. Nếu cần, họ sẵn sàng chống lại mệnh vua, thậm chí chống đối lại vua, nếu vua theo giặc, bán rẻ giang sơn gấm vóc.
Vì thế mà văn chương thời kỳ này đậm đặc tính hài hước, trào phúng, trong khi đả kích mạnh mẽ vào những kẻ sợ giặc, hàng giặc. Đó là những Đề đốc Lê Trinh tham sống sợ chết, lại giả dối tỏ ra muốn chết:
Thắt cổ, tay còn bưng lầy chạc,
Trầm mình, đầu lại gối lên cao.
Rờ lưng tìm thuốc, rơi đâu mất,
Tuốt vỏ gươm ra, cắt chẳng vào
(Khuyết danh – Vịnh quan Đề)
Đó là những Khâm sai đại thần, đứng hàng Nhất phẩm như Trần Đình Túc, phải uốn gối cúi đầu vâng dạ trước một mụ me Tây: “Nhất phẩm khâm gìa dạ dạ ran” (Vịnh cô Đội Chóp) v.v… Cái giọng châm biếm, mỉa mai đó không mất đi cả trong những bài sử ca hào hùng và bi thương về Hà thành thất thủ. Ta gặp lại ở đây cũng Đề đốc Lê Trinh mấy lần làm “động tác giả tự tử”:
Thế mà nghe những mơ hồ,
Rằng quan Đề đốc dưới hồ cửa Tây.
Kẻ rằng treo ở cành cây,
Kẻ rằng hẳn dưới giếng này chẳng chơi
(Hà thành chính khí ca)
Và nhiều nữa, những Tri phủ Hoài Đức, Tri huyện Thọ Xương, Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng, án sát Tôn Thất Bá, v.v. Ngòi bút tác giả Hà thành chính khí ca đã khái quát bè lũ quan lại bán nước, hại dân bằng những câu cô đúc sau:
Khi bình làm hại dân ta,
Túi tham mở rộng chẳng tha miếng gì.
Đến khi hoạn nạn gian nguy,
Mắt trông ngơ ngác, chân đi gập ghềnh.
Căm lũ phản bội đê hèn bao nhiêu, lại càng thương xót người anh hùng quyết tử vì tổ quốc bấy nhiêu. Cũng là ăn lộc vua, lộc nước, nhưng chỉ một mình Hoàng Diệu dám vì dân, vì nước:
Được mấy kẻ anh tài phải đạo,
Đều ăn cơm mặc áo trên đời.
Đến khi có việc tày trời,
Trơ trơ chỉ thấy một người tận trung.
(Hà thành thất thủ ca)
Trong bài Di biểu, Hoàng Diệu viết: “Ngày mồng bảy tháng này, chúng hạ chiến thư, ngày hôm sau là chúng tiến đánh, quân chúng đông như kiến tụ, súng của chúng gầm như sấm vang; ngoài phố lửa cháy lan tràn, trong thành ai nấy táng đởm. Tôi vẫn gượng lệnh đốc chiến, đi trước quân lính, bắn chết được hơn trăm tên, giữ thành được nửa ngày. Vì chúng nó sung sức mà quân ta tuột hơi rồi, lại thêm tuyệt đường cứu viện, thế lâm đường cùng, quan võ thì sợ giặc chạy trốn từng đàn, quan văn nghe gió cũng chạy theo nốt. Lòng tôi đau như cắt, một tay không thể duy trì”. Đó là lời nói chân thực, ghi trực tiếp cái cảnh mà ông đang nếm trải, nên không che được nỗi thất vọng, ngao ngán, bất lực, đau xót của một kẻ biết mình đã thất bại. Cùng diễn tả cảnh chiến trận ấy, nhưng tác giả những bài sử ca có được một khoảng cách thời gian nhất định để kịp trấn tĩnh trước nỗi đau, để có thể nhìn nỗi đau vỡ thành ấy bằng con mắt lạc quan hơn, bình tĩnh hơn, bằng cái tinh thần và ý chí của chính mình, những người đang và sẽ tiếp tục sự nghiệp của Hoàng Diệu, biến nỗi đau thất bại thành lòng căm thù và hăng hái khích lệ mọi người noi theo Hoàng Diệu, tiếp tục chiến đấu. Chính vì vậy mà khí thế trận đánh này được diễn tả thật hào hùng:
Ra oai xuống lệnh vừa xong,
Bỗng nghe ngoài đã ầm ầm pháo ran.
Tiêm cừu nỗi giận xung quan,
Quyết rằng chẳng để chi đoàn chó dê.
Lửa phun súng phát bốn bề,
Khiến loài bạch quỷ hồn lìa phách xiêu.
Bắn ra kể chết cũng nhiều,
Phố phường trông thấy tiếng reo ầm ầm.
(Hà thành chính khí ca)
Cũng như Hoàng Diệu, tác giả các bài sử ca chỉ ra nguyên nhân thất bại chính là do triều đình nhu nhược, hèn nhát đã ngăn trở chiến đấu, do bọn quan tướng triều đình sợ chết, phản bội đã tiếp tay cho giặc:
Nội công phải những bao giờ,2
Thấy kho thuốc cháy, ngọn cờ ngả theo.
Quan quân sợ chết thảy đều,
Thành Tây, bạch quỷ đánh liều trèo ra.
(Hà thành chính khí ca)2
Tổng đốc Hoàng Diệu thế cùng, phải treo cổ tự vẫn trong vườn Võ Miếu. Như lời ông nói trong Di biểu, lòng trung của ông, vua khó mà nhận nổi. Vậy nên nó là tấm “cô trung”. Cho đến lúc này, ông chỉ thẹn cùng nhân dân, cùng các hào kiệt đang hăng hái đánh giặc, vì ông không giữ vẹn được thành, chứ không phải thẹn với vua, với triều đình bán nước hàng giặc. Đây quả là một tư tưởng lớn lao, táo bạo của Hoàng Diệu đã thức ngộ biết bao kẻ sĩ vẫn còn cấn cái chọn đường./.
N. P. H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
(1) Hợp tuyển thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX. Nxb. Văn học, Hà Nội, 1976.
2 Các trích dẫn tác phẩm lấy từ Hợp tuyển thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX. Nxb. Văn học, Hà Nội, 1976.