Monday, November 1, 2010

Không có khuất tuất thì cứ báo cáo chi tiết ra

Chi tiêu cho Đại lễ ngàn năm không biết hết bao nhiêu, dân tình trong ngoài nước đồn đoán là xài hết 4-5 tỷ đô la Mỹ, có mấy bác quan to hùng hổ là làm gì có chuyện xài hết mấy ngàn tỷ đồng, trả lời Quốc hội thì quan thượng thư cũng bảo không có khuất tất. Vấn đề là tiền này là tiền của dân, vì vậy dân mới hỏi (phải hỏi, có quyền hỏi), mà chi hết bao nhiêu thì các bác cứ huỵch toẹt ra đi, cứ gởi cho các đại biểu Quốc hội mỗi người một xấp mà xem, cái nào là chi cho đại lễ, cái nào là chi cho công trình quốc kế dân sinh chào mừng đại lễ,... a, b, c,.. nó ra làm sao, nôm na là bảng quyết toán ý mà, mọi chuyện nó minh bạch rõ ràng rồi thì đố có ai dám đồn thổi nữa.

Bài này copy từ Vnexpress:

Không có khuất tất trong chi tiêu cho đại lễ'

"Chúng tôi đã kiến nghị cắt 10 hoạt động, tiết kiệm hơn 100 tỷ đồng. Đâu đó nói rằng tốn 4.000-5.000 nghìn tỷ đồng cho đại lễ 1000 năm là không phải", Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Hoàng Tuấn Anh khẳng định chiều 1/11.

Dù chỉ nhận được hai ý kiến liên quan đến lĩnh vực mình quản lý, tuy nhiên Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh vẫn được mời trả lời trước Quốc hội trong buổi thảo luận kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng khẳng định 3 năm lại đây, các hoạt động văn hóa thể thao du lịch có nhiều chuyển biến tích cực. Riêng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cả đất nước trong không khí tưng bừng, có những hoạt động rất thiết thực, nhất là sự kiện Hoàng thành Thăng Long, công trình thứ mười của Việt Nam, được nhận bằng di sản văn hóa thế giới.
"Chúng tôi coi việc tổ chức cho đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một sự đóng góp ý nghĩa. Đâu đó nói rằng tốn 4-5 nghìn tỷ đồng cho đại lễ là không phải. Tôi xin cam đoan không có chuyện thu lợi nhuận gì trong sự kiện này", ông Tuấn Anh khẳng định.
Bộ trưởng cho biết năm nay Bộ được giao tổ chức một số hoạt động kỷ niệm sau, 80 năm thành lập Đảng, 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 65 cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9, đại lễ 1000 năm Thăng Long. "Bộ đã rất tiết kiệm, từ đầu năm đến giờ số chi so với dự toán mới đạt 57,5%, số thực chi mới 88 tỷ đồng", ông Tuấn Anh nói.
Để tăng tính thuyết phục, Bộ trưởng Tuấn Anh dẫn chứng để chuẩn bị cho lễ diễu binh diễu hành sáng 1/10 tại Ba Đình, các lực lượng đã luyện tập 2-3 tháng trời, bất kể mưa gió, nắng gắt. Trong khi Bộ Tài chính quy định kinh phí cho mỗi buổi luyện tập của mỗi người chỉ 25.000 đồng, hôm diễu hành tăng lên thành 35.000 đồng, không đủ tiền đi lại.
"Các hoạt động kỷ niệm, đặc biệt đại lễ nghìn năm xin khẳng định không có gì khuất tất. Chúng tôi hết sức tiết kiệm, đã kiến nghị cắt 10 hoạt động, tiết kiệm hơn 100 tỷ đồng. Bộ sẵn sàng cung cấp chi tiết những khoản đã chi, còn chi tiêu của những cơ quan khác đã có Bộ Tài chính quy định", Bộ trưởng Văn hóa nhấn mạnh.
Ong Tuan Anh
Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch khẳng định: "Đâu đó nói rằng tốn 4-5 nghìn tỷ đồng cho đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là không phải". Ảnh: Hoàng Hà.
Về phía các địa phương, người đứng đầu ngành văn hóa du lịch cho biết đã chỉ đạo phải lấy kinh phí địa phương và huy động xã hội hóa. Có một số địa phương, ngành tổ chức lễ kỷ niệm quy mô tốn kém đã bị nhắc nhở. Nhưng gần đây, từ khi có nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về việc tiết kiệm trong các hoạt động lễ lạt, việc tổ chức đã tốt hơn.
"Sau này lễ hội sẽ tổ chức quy mô vừa phải, nhưng không thể không tổ chức. Vì thông qua các hoạt động tuyên truyền quảng bá, hình ảnh Việt Nam được thế giới chú ý hơn", ông Tuấn Anh nói. Ông cũng cảm ơn Hà Nội, nhờ đại lễ mà có thêm công viên Hòa Bình, bảo tàng, thư viện Hà Nội. Những công trình này đã góp phần giúp người nước ngoài hiểu thêm về Việt Nam.
Phần trả lời kéo dài 7 phút của Bộ trưởng Tuấn Anh được Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đánh giá là chưa trúng và đề nghị: "Bộ trưởng cần nói rõ việc tổ chức có lãng phí không?". Tuy nhiên, phần trả lời sau đó của Bộ trưởng không có nhiều thông tin.
Trước đó vào buổi sáng, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Võ Minh Phương nêu vấn đề năm nay đất nước tổ chức nhiều ngày lễ lớn, nhiều sự kiện chào mừng và tiến tới đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. "Tình hình lãng phí trong tổ chức lễ hội được Quốc hội nêu ra từ kỳ họp trước nhưng chưa khắc phục được nhiều. Nhiều nội dung chưa được cân nhắc, chọn lựa kỹ, trong đó đáng chú ý là chất lượng một số công trình chào mừng chưa bảo đảm, không ít sản phẩm ăn theo mang tính hình thức không cần thiết, gây tốn kém tiền của công sức của xã hội", ông nói.
Đại biểu Phương đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo, tổng kết các lễ hội trong năm 2010, nhất là đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội để công bố cho nhân dân biết tổng chi phí từ ngân sách nhà nước phục vụ cho lễ hội, qua đó rút kinh nghiệm để tiết kiệm tốt hơn.
Hồng Khánh