Bài dưới được đăng trên Tuần Việt nam ngày 02/11/2010, theo quan điểm cá nhân của tôi là sống trong một xã hội dân chủ văn minh thì người dân được quyền làm những gì mà luật pháp không cấm.
Quy tắc đạo đức nó phụ thuộc vào mỗi Quốc gia, mỗi nền văn hóa, nó bị ảnh hưởng bởi hệ thống/nền giáo dục, giáo dục công dân ngay từ bé mà nền tảng đạo đức không có thì có bao nhiêu bộ quy tắc đạo đức đưa ra cũng vô nghĩa, từ việc nhỏ hàng này thôi thử nhìn xem giáo dục con người như thế nào: học sinh 10 đánh 1 người, lột đồ mà một đám đứng xem và cổ vũ quay phim, tai nạn pháo hoa nổ mà đứng làm nền quay phim chụp hình, ở đâu có người là ở đó có rác, hàng ngày đưa đón con đi học thấy phụ huynh chở con em trên xe vừa ăn sáng, uống sữa xong là vứt thẳng nào hộp, nào bao xuống đường, không bao giờ chịu đứng xếp hàng nếu như có việc phải xếp hàng, các bờ tường rào thì kẻ đứng đái, người dắt chó ra đi ỉa,...... biết bao nhiêu việc phi đạo đức nó hiện hiện trước mắt hằng ngày, ừ nó nhỏ thôi, nhưng tất cả những cái nhỏ đó là mầm mống của những kẻ vô đạo sẽ làm những cái việc rất chi là vô đạo đức sau này. Đất Quảng
"Biệt dược" quản lý blogger
Không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cũng tìm cách quản lý blog, hoặc đưa ra các quy tắc để điều chỉnh hành vi của người viết blog (blogger) nhằm ngăn chặn làn sóng lợi dụng công cụ này đưa thông tin sai sự thật, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Quản lý blog vì xã hội
Chia sẻ với báo giới trong đợt công tác tại Việt Nam tháng 3-2009, Phó Chủ tịch Yahoo! Ken Mandel cho rằng, quản lý blog là điều bình thường. Ông Mandel giải thích, internet là ngành công nghiệp non trẻ và có tốc độ phát triển nhanh nên không chỉ Việt Nam mà hầu hết chính phủ của các quốc gia trên thế giới vẫn đang phải tìm hiểu và đưa ra nhiều phương cách quản lý khác nhau.
Hãng thông tấn BBC ngày 10-10-2010 trích dẫn kết quả dự án nghiên cứu hành vi trực tuyến của người dùng toàn cầu do TNS Global Market Research (Anh) thực hiện cho thấy, cứ 5 người thì có 4 người Trung Quốc đã và đang viết blog. Điều đó đồng nghĩa với số blogger ở Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới.
Trung Quốc cũng là quốc gia đưa ra nhiều biện pháp quản lý blog được cho là chặt chẽ nhất hiện nay. Rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ blog đã ký thỏa thuận với Ban Xã hội mạng nằm trong Bộ Thông tin của Trung Quốc, yêu cầu blogger phải đăng ký tài khoản bằng tên thật.
Những công ty này còn phải kiểm duyệt nội dung được đưa lên, có địa chỉ rõ ràng của blogger đó và có trách nhiệm tiết lộ thông tin người sử dụng khi được yêu cầu. Đồng thời, chính họ cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu để sai phạm diễn ra.
Nhà cung cấp dịch vụ có quyền xóa những nội dung không hợp pháp, không lành mạnh mà không cần có sự đồng ý của blogger. Ngoài ra, người viết blog ẩn danh, giấu tên sẽ tuyệt đối không được đăng bài (post) hay bình luận (comment)... Tuy nhiên, đến nay chưa có một thống kê nào cho thấy biện pháp quản lý này là thành công ở mức tuyệt đối.
Trong khi đó, Malaysia cũng dự định sẽ yêu cầu chủ nhân blog công bố danh tính để tránh những bình luận quá khích.
Luật pháp của Đức chú trọng bảo vệ quyền riêng tư như thông tin về sức khỏe của cá nhân, đời sống riêng tư, gia đình, hình ảnh cá nhân... Một blogger có thể bị kiện nếu đưa lên mạng một bức tranh châm biếm quan chức. Thậm chí, nếu các nội dung đưa lên một trang web đăng ký ở nước ngoài bởi một người Đức thì cá nhân đó vẫn có thể bị truy tố...
Nhiều nước khác lại soạn ra những bộ quy tắc đạo đức và đề nghị blogger tuân thủ, còn các vi phạm khác thì sẽ bị xử lý theo những bộ luật liên đới.
Do mỗi quốc gia trên thế giới có một định chế pháp lý riêng biệt nên điều khó khăn nhất đối với việc quản lý blog là danh tính thật của blogger. Vì trong một "xã hội ảo" thì việc đưa ra các quy định: yêu cầu các blogger phải khai tên thật, địa chỉ cụ thể... được cho là khó khả thi, nhất là khi blogger dùng dịch vụ của các nhà cung cấp nước ngoài, máy chủ đặt ở nước khác.
Do đó, câu chuyện quản lý chỉ là "tương đối", áp dụng được với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và blogger có cùng quốc tịch. "Biệt dược" cho blogger "bẩn" đến nay vẫn là thử thách lớn đối với những người được giao nhiệm vụ quản lý nó.
Hiện nay, hành lang pháp lý hướng đến điều chỉnh hành vi của blogger Việt là Thông tư số 07/2008/TT-BTTTT ngày 18-12-2008 của Bộ Thông tin - Truyền thông "Hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân trong Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28-8-2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet". Thực chất, đây là những hướng dẫn cho cộng đồng người sử dụng blog biết những điều gì không được làm vì vi phạm pháp luật, không đưa ra các chế tài xử lý mới, mà chỉ tham chiếu các chế tài đã có trong Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Công nghệ thông tin, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự... và các luật hiện hành có liên quan.
Tuy nhiên, trao đổi với báo giới, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Thông tư 07 có một số điểm chưa rõ ràng nên người dân sẽ gặp khó khăn trong việc chấp hành, cơ quan quản lý cũng sẽ "vướng" khi thực thi nhiệm vụ. Đó là việc blogger khó xác định trang thông tin nào vi phạm quy định nhà nước để không đặt đường liên kết nếu danh sách các trang này không được đăng tải công khai.
Thông tư cũng quy định chủ thể trang thông tin điện tử cá nhân phải bảo vệ mật khẩu, khóa mật mã và thông tin cá nhân. Thế nhưng thực tế có những blog là do một nhóm người lập nên để trao đổi thông tin, dữ liệu dùng chung (bài giảng, ảnh tập thể, lịch học...), nếu có sơ sẩy sẽ quy trách nhiệm cho ai.
Trong khi đó, một chuyên gia công nghệ (xin giấu tên) cho rằng, quản lý các blog thiếu lành mạnh không quá khó, nhất là xét dưới góc độ công nghệ. Các địa chỉ trên internet đều có thể truy xuất để tìm ra đầu mối nên không mấy khó khăn nếu muốn kiểm soát trong những trường hợp cần thiết.
Với những doanh nghiệp xuyên quốc gia vào nước ta hoạt động, các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể đề nghị họ cung cấp thông tin cần thiết theo pháp luật Việt Nam, kể cả những trường hợp liên quan đến luật quốc tế, để vừa bảo đảm việc kiểm soát, vừa vẹn toàn mục tiêu kinh doanh cho doanh nghiệp mà người sử dụng không bị mất quyền riêng tư. Với những trường hợp lập blog thiếu lành mạnh ở nước ngoài thì có thể áp dụng biện pháp cấm không cho truy nhập ở Việt Nam.
Trong khi câu chuyện quản lý blogger có nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là vấn đề hiệu quả thì với những người viết blog chân chính, đây vẫn là một công cụ giải trí, trao đổi thông tin hiệu quả. Với số đông blogger, những nguyên tắc họ tuân thủ chính là luật pháp và đạo đức xã hội với điểm cốt lõi là quan hệ ứng xử giữa người với người. Tự có cách hành xử trên blog một cách văn minh và trách nhiệm vẫn là gợi ý thuyết phục vào thời điểm này.
TNS Global Market Research đã phỏng vấn 50.000 người dùng ở 46 quốc gia nhằm nghiên cứu hành vi trực tuyến của người dùng toàn cầu, cho thấy các phương tiện truyền thông số đang qua mặt ti vi, đài phát thanh, báo in, trở thành kênh truyền thông được nhiều người (61% dân số) lựa chọn sử dụng. Tốp 3 quốc gia có trung bình một người dùng mạng xã hội có nhiều "bạn" đứng đầu thế giới là Malaysia (233 bạn), Brazil (231), Nauy (217). Người Malaysia còn đứng đầu thế giới về thời lượng sử dụng mạng xã hội, trung bình 9 giờ/tuần, tiếp theo là Nga - 8,1 giờ/tuần và Thổ Nhĩ Kỳ - 7,7 giờ/tuần. |