Sunday, November 7, 2010

Hết tiến sĩ dỏm đến giáo sư online!

Theo nguyenvantuan.net:

http://www.felixthecat.com/IMG/ff-professor.gifMột bạn đọc DV gửi email hỏi tôi về bản tin dưới đây về một tiến sĩ được phong phó giáo sư trường University of Russell Hobby ở Hà Lan. Chỉ cần vài phút tìm trên mạng, có thể nói rằng đây là một cơ sở thương mại mang tiếng “university” nhưng không được cộng đồng khoa học công nhận.
Lá thư của bạn đọc viết “Nhân đọc 1 bài báo giáo dục trên mạng về "TS" Bùi Việt Hải được trường đại học Hà Lan - University of Russell Hobby phong PGS. http://www.giaoduc.edu.vn/news/gia-dinh-xa-hoi-659/pho-giao-su-dang-cap-quoc-te-147810.aspx

Thật là kỳ lạ, theo em được biết thì đây chỉ là 1 loại trường online và chưa được kiểm định.  Em có làm việc với PGS Hải này, và rất ngạc nhiên thấy anh thành một ‘Phó Giáo Sư đẳng cấp quốc tế’!

Nhờ thầy kiểm tra giúp. Và biết đâu, đây cũng là 1 trường hợp’"PGS dỏm cấp quốc tế’
?”
Hà Lan là một trong những nước tôi ngưỡng mộ về giáo dục và khoa học.  Hà Lan có nhiều trường đại học danh tiếng như University of Amsterdam, Leiden University, Utrecht University, Free University, Maastricht University, Erasmus University of Rotterdam, v.v… Về số lượng bài báo khoa học Hà Lan xấp xỉ hay thậm chí cao hơn Úc.  Tôi có vài đồng nghiệp ở Amsterdam, Erasmus và Maastricht.   Nhưng tôi chưa bao giờ nghe đến University of Russell Hobby.
Tìm trên mạng không thấy trường này ở Hà Lan.  Tìm trong trang web về gian lận trong thương mại (consumer fraud) thì thấy có ghi “Universiteit Russell Hobbes, probably Netherlands, Formerly claimed association with Preston U of Wyoming.” Như vậy, “trường” này được liệt kê trong danh sách các cơ sở thương mại buôn bán bằng cấp.  Ông Bùi Việt Hải có thể đã là một nạn nhân của trường dỏm.
Điều ngạc nhiên là một tờ báo của Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chi Minh đưa tin như là một vinh dự cho nước nhà!  Theo tôi thì báo Giáo dục đã lầm to.  Một cơ sở buôn bán bằng cấp online phong chức danh “giáo sư” hay cho bằng “tiến sĩ khoa học” không phải là một vinh dự, mà là một nỗi xấu hổ.  Từ lâu, các cơ sở bán viện sĩ dỏm đã hoành hành Việt Nam, nay lại đến các cơ sở buôn bán bằng cấp và chức danh online lại có thêm một thị trường ở VN.  Đã bao năm nay mà vẫn có người bị lừa, và đó mới chính là điểm đáng nói.  Đã đến lúc phải chấm dứt vấn nạn tiến sĩ dỏm và giáo sư dỏm.
NVT
Xem thêm: Những ngộ nhận danh xưng tốn kém.  (Đây là một bài thuộc loại "classic" tôi viết cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn qua giới thiệu của ông bạn Vũ Quang Việt, và đã được đăng lại rất nhiều báo khác nhau ở nhiều thời điểm khác nhau. Bài này cũng chính là bài đầu tiên tôi trở thành cộng tác viên cho TBKTSG không nhớ đã bao năm rồi).
 =====
http://www.giaoduc.edu.vn/news/gia-dinh-xa-hoi-659/pho-giao-su-dang-cap-quoc-te-147810.aspx
Phó giáo sư đẳng cấp quốc tế
Thứ Tư, 11 Tháng tám 2010, 15:08 GMT+7
Ngày 15-7-2010, một tiến sĩ khoa học (TSKH) của Việt Nam đã được Trường ĐH URH (University of Russell Hobby - Hà Lan) phong học hàm phó giáo sư (PGS) về kinh doanh và nghiên cứu kinh tế. Người nhận được vinh dự này là TSKH Bùi Việt Hải - giảng viên Trường ĐH Bình Dương.
Ở tuổi 32, anh được xem trẻ tuổi nhất của Trường URH, đồng thời cũng là một trong những PGS trẻ tuổi nhất tại Việt Nam. Trước đó, năm 2008, anh cũng đã nhận bằng TSKH loại ưu của Trường ĐH URH.
Từ anh “thủ lĩnh sinh viên” trong nước
Sinh năm 1978, chàng trai Bùi Việt Hải được thừa hưởng nhiều đức tính tốt đẹp từ một gia đình có tri thức. Tuổi thơ của anh gắn với kỷ niệm đẹp về những mái trường thân yêu ở TP.HCM. Tốt nghiệp Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền năm 1996, anh chọn Trường ĐH Kinh tế TP.HCM để bắt đầu con đường vào đời của mình. Và trong quãng thời gian học ĐH, cậu sinh viên (SV) họ Bùi đã nổi bật là một thành viên tích cực trong các hoạt động tập thể, một “thủ lĩnh sinh viên” với vai trò phó bí thư Đoàn khoa Quản trị Kinh doanh rất “chịu quậy”. Ngoài việc học, Hải sớm tự rèn luyện bản thân bằng việc cộng tác làm hướng dẫn viên cho công ty du lịch. Song song với việc học tại Trường ĐH Kinh tế, anh còn theo học ngành cử nhân báo chí tại Phân viện Báo chí và Tuyên truyền - Học viện Chính trị Quốc gia. Việc Bùi Việt Hải theo học nghề báo “không chỉ vì nó phù hợp với sở trường, sở thích mà còn vì được “truyền lửa” yêu nghề từ người mẹ vốn là một nhà báo”. Anh thổ lộ: “Thời gian đó, tôi rất vui khi được trải nghiệm thực tế qua những kỳ thực tập rồi viết bài cộng tác cho nhiều tờ báo”.
Năm 1998, tốt nghiệp ĐH, cử nhân Bùi Việt Hải được một công ty du lịch nhận vào làm. Nhưng với ước mơ được đi du học, anh liên tục “săn” học bổng. Và cuối cùng, ước mơ du học của anh cũng thành hiện thực. Một năm sau, anh sang Hà Lan học tại Trường ĐH Zeeland. Những ngày nơi đất khách quê người, dù rất bỡ ngỡ nhưng với bản tính chịu khó và có óc sáng tạo, anh nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới. Ngoài việc tập trung học để đạt kết quả cao, anh luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội của SV Việt Nam tại đây. Bên cạnh đó, anh còn đi làm thêm nhằm giảm bớt chi phí cho gia đình như: giao báo, phụ rửa chén, dọn hàng quán. “Lúc đó, cứ 5h sáng là tôi đạp xe đi giao báo, rồi về dọn hàng ngoài chợ cho người ta, đến 9h mới lên trường. Tối đến lại tiếp tục đi dọn quán và rửa chén thuê. Những công việc này không chỉ giúp tôi có thêm tiền sinh hoạt mà còn tạo môi trường để tôi tự rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân”.
Vốn có “gen” học thuật và nghiên cứu từ cha (TS. vật lý Bùi Ngọc Anh), Hải đã sớm say mê các công trình nghiên cứu khoa học. Điều đó khiến anh luôn đạt kết quả tốt và được bạn bè, đặc biệt là các giáo sư (GS) ở trường đánh giá cao. Năm 2004, anh nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh loại ưu của Trường Zeeland.
Và trở thành PGS trẻ tuổi nhất của Trường URH
Sau khi nhận bằng thạc sĩ, Bùi Việt Hải được một GS trong trường giới thiệu qua Anh Quốc học tiếp, nhưng do không làm visa kịp nên anh quyết định sang Trường ĐH URH học. Từ tháng 4-2004, anh đã tham gia nghiên cứu và phụ giảng tại Trường ĐH URH, đồng thời tiếp tục theo đuổi ước mơ nghiên cứu khoa học của mình bằng cách tham gia chương trình đào tạo TS với sự hướng dẫn của các GS.TS kinh tế nổi tiếng. Trở về nước, anh đã kinh qua nhiều thử thách trong những công việc rất tốt như Trưởng phòng Marketing Công ty Du lịch Hòa Bình; Phó tổng thư ký Hiệp hội Du lịch TP.HCM. Nhưng rồi với mối lương duyên, anh quyết định lựa chọn theo chí hướng của người cha: trở thành giảng viên ĐH. Không chỉ giảng dạy, anh còn tham gia nhiều chương trình nghiên cứu học thuật, viết bài tham luận cho Trường ĐH URH và Trường ĐH Bình Dương. Và tiếp tục đầu tư cho công trình nghiên cứu khoa học của mình.
Năm 2008, anh sang Hà Lan bảo vệ luận văn mang tên “Nghiên cứu ảnh hưởng của các chính sách kinh tế tới sự phát triển du lịch quốc gia” và đã được cấp bằngTSKH (DSc) về kinh doanh và nghiên cứu kinh tế tại Trường ĐH URH. Nhận bằng TSKH của một trường ĐH châu Âu ở tuổi 30 là niềm vui, niềm tự hào rất lớn không chỉ với anh, với gia đình, bạn bè mà cả với các GS Trường ĐH URH. Khi Bùi Việt Hải đang làm đề tài nghiên cứu thì website của Trường ĐH URH đã dành riêng một trang giới thiệu về anh. Bởi đó là công trình nghiên cứu khoa học của TS trẻ tuổi và có nhiều triển vọng nhất từ trước tới nay của trường, và điều đặc biệt hơn là anh đến từ Việt Nam! Trở về nước, anh tiếp tục công việc giảng dạy và nghiên cứu của mình. Ngày 15-7-2010, anh rất bất ngờ khi nhận được quyết định phong học hàm PGS về kinh doanh và nghiên cứu kinh tế của Trường ĐH URH. Việc phong học hàm PGS cho anh Bùi Việt Hải - một TSKH Việt Nam mới 32 tuổi là một sự kiện rất đặc biệt của Trường ĐH URH.
Bài, ảnh: Nguyên Hải
GS.TS Nguyễn Khắc Thuần - bậc thầy của PGS.TS Bùi Việt Hải tại Việt Nam cho biết, sự kiện này là niềm vui, niềm tự hào rất lớn của ông cũng như Khoa Việt Nam học và Trường ĐH Bình Dương. Nó góp phần khẳng định và nâng cao vị thế của giới trẻ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học trên thế giới.