Sunday, June 26, 2011

Sexy tất cả, trừ lòng yêu nước

Thùy Linh

Bây giờ bạn có thể biết đến tận giường ngủ của những người nổi tiếng, hơi nổi tiếng, nổi tiếng chút chút, tự mình làm nổi tiếng…với căn nhà cỡ triệu đô, hơn triệu đô và nhiều triệu đô. Bởi tất cả được phơi bày trên các trang mạng.

Bạn có thể tưởng tượng hình bóng người đẹp ngâm mình trong các bồn tắm sang trọng của một phần giá trị trong những căn nhà đắt tiền đó. Bởi rất cả được phơi bày trên các trang mạng.

Bạn có thể mất ngủ nhiều ngày về sự giàu sang phô trương của các sao và tự hỏi họ kiếm đâu ra ngần ấy tiền giữa lúc một người trí thức (chưa kể dân đen) kiếm được đồng tiền nuôi gia đình hết sức chật vật?

Bạn có thể khó chịu vì hàng ngày mở tờ báo và các trang mạng chỉ thấy chuyện tốc váy, yêu đương, ly hôn, cặp bồ…của những người nổi tiếng và được coi là nổi tiếng. Thậm chí đám cưới của sao nào đó cũng chiếm mất khá nhiều giao diện trên trang mạng với không có thông tin gì cả ngoài các chân dài tới dự lễ thành hôn. Giữa lúc xã hội nơi tôi đang sống có quá nhiều việc cần phải lên tiếng.

Bạn có thể cười nhạt vì một party sinh nhật phù phiếm và hết sức sành điệu của ai đó cũng là người nổi tiếng được tổ chức linh đình và lôi kéo sự chú ý của các phóng viên và nhiều độc giả. Giữa lúc nhiều người dân nước tôi đang thiếu dù chỉ một bữa cơm no bụng.

Bạn có thể kinh ngạc về tội ác diễn ra hàng ngày được “trình diễn” trên các báo và mạng internet như là phần không thể thiếu của cuộc sống trên mảnh đất này. Những vụ án đốt con, đốt chồng, những thây người bị giết cắt rời từng mảnh, những vụ bắn nhau chỉ vì va chạm trên đường, những vụ hiếp dâm trẻ nhỏ và chính con cái mình…Tội ác dường như là chuỵên bình thường khi mọi giá trị nhân văn mang tính người đã bị đẩy ra khỏi cuộc sống.

Bạn có thể bị kinh động bởi những vụ tham ô, thất thoát số tiền lên đến nhiều tỷ tỷ đồng mà người bình thường không biết đó là bao nhiêu chữ số, nhưng vẫn chỉ “rút kinh nghiệm”. Thử hình dung nếu có một Đường Quí Phi thay vì thích xé lụa mà xé tiền thì mất bao nhiêu năm mới xé hết số tiền ấy với mệnh giá 500.000 VND? Nhưng đất nước tôi vẫn bao dung, nhẫn nhịn…cho qua. Trong khi vẫn rất nhiều đứa trẻ phải bỏ học vì không có tiền. Ngày ngày trẻ con vẫn đu dây vượt sông lũ đến trường. Vô vàn đứa trẻ vùng cao phải ở lán dựng tạm trống hoác nơi núi cao rét buốt để nhọc nhằn bám theo con chữ. Vẫn nhiều người phát bệnh tâm thần do nghèo đói, bệnh tật…Chuyện đó ai cũng biết vì tất cả phơi bày trên báo chí.

Bạn có thể thất vọng đau đớn khi thấy thiểu số lãnh đạo cả dân tộc bằng tư duy không thể nói là lạc hậu, mà phải nói là lẩm cẩm, điên khùng. Vậy mà dân tộc tôi vẫn cúi đầu cam chịu, nhẫn nhục cắn răng…Tất cả cũng hiển hiện trên các trang báo và mạng không hề dấu diếm, hàng ngày…Sự thô bỉ, vô liêm sỉ, vô minh, trắng trợn, giả dối, độc ác diễu hành từ mấy chục năm nay và vẫn đang tiếp tục. Sự nhẫn nhục, vụ lợi, bàng quan, lạnh nhạt của triệu triệu người dân cũng chẳng hề dấu diếm…

Có thể phơi bày tất cả, trừ sự thật.

Có thể phơi bày tất cả trừ sự liêm sỉ, tử tế.

Có thể phơi bày tất cả trừ công bằng.

Và đau đớn hơn, có thể phơi bày tất cả trừ lòng yêu nước.

Tôi đã thấy điều đó qua cuộc biểu tình vì Trường Sa – Hoàng Sa – Vịêt Nam vào ngày 12/ 6 / 2011 vừa qua. Nhưng chủng tử của lòng yêu nước trong thời đại mới sẽ gieo mầm vào lòng người từ bây giờ, giây phút này…

Và tôi tin, chỉ một dúm người bày tỏ lòng yêu nước so với gần 90 trịêu dân nước Việt thì cũng đã bắt đầu thổi làn gió dân chủ, tự do vào cuộc sống ngột ngạt hôm nay.

Tôi tin tuổi trẻ, dù là số không nhiều, sẽ truyền năng lượng, nhiệt huyết của họ đến tư duy ù lỳ của rất đông người khác đang bị mắc căn bệnh thời đại “pakinson thể xơ cứng”. Sự thay đổi của cái mới chưa bao giờ bắt đầu từ số đông, thậm chí từ vài con người…Chỉ cần họ tìm ra một điểm tựa là có thể bẩy cả trái đất này.

Nếu có cô gái đẹp nào đã dám khỏa thân vì môi trường (hay vì gì gì đó) thì xin hãy một lần sexy lòng yêu nước để người dân được một lần ngưỡng mộ?

Xin tất cả mọi người hãy sexy lòng yêu nước và sự tử tế, còn những gì thuộc về riêng tư xin hãy kín đáo, lựa lời…

Đừng để các bạn trẻ chỉ thấy sự phồn hoa, phù phiếm mà quên đi hơi thở nặng nhọc của người dân và đời sống nghèo nàn, cực khổ của bao kiếp người đang vật lộn mưu sinh, trong đó có thể là cha mẹ họ.

Đừng để họ bị lóa mắt về tiền bạc, vật chất, đánh mất tính người mà gây tội ác.

Đừng để họ nhiễm sự ích kỉ, vụ lợi, cơ hội để tiếp bước lối sống mặc định trong xã hội: tranh đua học hành; dành giật, mua bán chức quyền; kiếm tiền bằng mọi giá; giàu sang chẳng kém ai; đừng để “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”…

Đừng để sự giả dối thoải mái sexy và lên ngôi, thống trị đất nước này.

Theo blog Nhà văn Thùy Linh

Friday, April 8, 2011

Về sự sợ hãi

NGÔ BẢO CHÂU

Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt. Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường. Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này.

Đối diện với ông Vũ là những người bắt ông bằng hai bao cao su đã qua sử dụng, là phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật xảy ra ngày hôm qua và là ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ. Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này. Nghĩ mãi tôi cũng chỉ tìm ra hai cách lý giải. Khả năng thứ nhất là họ muốn làm nhanh cho xong việc. Trong trường hơp này, họ rất xứng đáng được truy cứu trách nhiệm. Khả năng thứ hai là ông quan tòa sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ. Trong trương hợp này, rất nên tạo điều kiện cho ông ta chuyển sang công tác khác, phù hợp hơn. Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ.

Theo blog Thích học toán

Chính trị, Tôn giáo và Cù Huy Hà Vũ

HUY ĐỨC

Lời nói đầu của bọ Lập quechoa: Chỉ vỏn vẹn 200 chữ, bài viết “Về sự sợ hãi” của Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu không những đã chỉ trúng đích sự yếu kém đến tệ hại của bộ máy công quyền qua vụ xử ts Cù Huy Hà Vũ, mà còn cho chúng ta một bài học lớn về phẩm cách người trí thức Việt. Như các trí thức có công khác, Ngô Bảo Châu đã được Đảng và Nhà nước ưu ái và quí trọng, lời ngợi khen đã ban, lợi lộc nhỏ to đã tặng. Nhưng anh cao và sang hơn nhiều trí thức Việt khác cùng được hưởng lộc như anh, thậm chí còn được nhiều hơn anh, ở chỗ anh đã không để cho “xôi chùa” làm ngọng miệng. Kịp thời phê phán thẳng thắn, chí lý chí tình để can gián bề trên trước mọi vấn nạn của Đất nước chính là tiếng nói của trung thần, của những người biết “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, chứ không phải khóm róm xiểm nịnh, lê lết ton hót hoặc “ngậm miệng ăn tiền”. Đó là thái độ sống của trí thức chân chính, bất chấp sự khó chịu của bề trên cùng với sự lu loa của đám u mê lũ gian thần sẵn sàng qui chụp đủ thứ mũ cả chính trị lẫn đạo đức. Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách, người dân thường còn như thế, huống hồ là trí thức.

Tiếp theo bài viết của Ngô Bảo Châu, bọ giới thiệu hai bài nữa của Huy Đức, nhà báo ở phía Nam và Hồ Bất Khuất, nhà báo ở phía Bắc. Họ là những người lớn lên dưới mái trường XHCN, và tất nhiên họ là những trung thần.



Chính quyền có thể là đã lo lắng về một đám đông có thể xuất hiện khi đưa tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ ra tòa nên đã triển khai một lực lượng cảnh sát hùng hậu ngay trong ngày tòa xử.

Nếu cứ để ông Cù Huy Hà Vũ nghênh ngang bên ngoài, có lẽ ông khó lòng tập hợp được sự quan tâm của quần chúng tới mức dấy lên sự sợ hãi cho chính quyền. Nếu để ông Cù Huy Hà Vũ tự do ngôn luận, có lẽ ông khó lòng thu hút được sự chú ý của giới bloggers, báo chí và khó lòng trở thành một nhân vật được đề cập trong một bài feature của tờ New York Times. Nếu để ông Cù Huy Hà Vũ tự do kiện tụng có lẽ người dân sẽ thấy Chính quyền tự tin và mạnh mẽ. Và có lẽ, nếu thả ngay ông Cù Huy Hà Vũ sau cái hôm ở khách sạn, hình ảnh một người đàn ông 50s bụng phệ sẽ được nhớ lâu hơn, và khó có thể bị thay thế bởi hình ảnh một tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, comple, cavat, trán rộng, đầu ngửng cao, ngạo nghễ đi giữa hai hàng cảnh sát.

Trong một nhà nước toàn trị, chính quyền có đủ quyền lực để làm bất cứ điều gì. Nhưng không phải cứ toàn trị thì không cần cân nhắc chính trị khi hành xử quyền hành vốn không bị ai giới hạn. Bức ảnh linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt mồm trong phiên tòa diễn ra ngày 30-3-2007 mang tính biểu tượng có lẽ không kém bức ảnh tướng Loan dí súng vào đầu bắn một tù binh hồi Mậu Thân. Trong lần đến Mỹ, khi trả lời phỏng vấn đài CNN, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết giải thích, khi ấy linh mục Nguyễn Văn Lý đã lăng mạ tòa. Nghe nói ông Lý còn định đạp đổ cả vành móng ngựa.

Cũng như những phiên tòa cùng loại, thường thì chính quyền chỉ muốn nó diễn ra đúng kịch bản, chứ ít khi để nó diễn ra tự nhiên. Phiên tòa sẽ chính trị hơn, chính quyền sẽ được lợi hơn nếu hình ảnh cha Lý-thay vì dùng lý lẽ lại dùng những lời lẽ không thích hợp ở một nơi tôn nghiêm-được phát đi trên truyền thông đại chúng. Hôm đó, nếu như các nhà báo được vào phòng xử án thì họ sẽ phải ngồi sau lưng cha Lý và đã không thể chụp bức ảnh cha Lý bị bịt mồm. Vì quá cẩn thận để các nhà báo quan sát phiên xử qua truyền hình nên bức ảnh chụp gián tiếp đã trở thành một công cụ tố cáo mạnh hơn trăm nghìn bài báo khác.

Không chỉ với “các nhà dân chủ”, cách hành xử cứng nhắc trong vụ nhà thờ Tam Tòa hồi tháng 7-2009, cũng đã tự nhiên đặt chính quyền trước một xung đột với các giáo dân. Tháp chuông bị bom-một chứng tích chiến tranh có giá trị bảo tồn- và tài sản của nhà thờ là hai mối quan hệ khác nhau. Không chỉ có giáo hội, nhiều người dân từng nuôi giấu những người cộng sản cũng đã phải dở khóc dở cười khi nhà của họ được xếp vào hàng di tích-Họ không còn dễ dàng đem bán, đem sửa nhà mình.

Không phải con cái trở thành nhân vật lịch sử thì cha mẹ không còn được xoa đầu. Quyền hành chánh của nhà nước và quyền dân sự của các tổ chức công dân là hai phạm trù khác nhau. Nếu quyền về tài sản của tổ chức, công dân không được tôn trọng thì xung đột là điều không tránh khỏi. Giáo hội chắc chắn cũng nhận thức được sức thu hút của cái tháp chuông bị đánh bom để bảo tồn và khai thác sự quan tâm của du khách. Nếu như để cho họ quản lý di tích ấy theo luật Bảo tồn và xây lên bên cạnh một nhà thờ để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thì không những nhà nước-giáo hội có thể hữu hảo với nhau mà bà con lương-giáo cũng không việc chi phải tiếng chì, tiếng bấc.

Xét từ góc độ lợi ích của chính quyền, vụ bắt bớ Cù Huy Hà Vũ mất nhiều hơn được. Nếu cứ để cho ông Vũ kiện cáo, phát biểu trên internet hoặc trên đài nước ngoài, thì dân chúng trong nước cũng chỉ quan sát rồi cười còn những người chống cộng ở bên ngoài cũng không biết lấy cớ gì mà chống. Bắt Cù Huy Hà Vũ, không những giúp ông ấy kiến tạo hình ảnh của một người hùng mà Chính quyền tự nhiên phải đối phó với sự chỉ trích của quốc tế, đối phó với những mối lo ở quốc nội, một cách nhọc công không cần thiết.

Điều đáng chú ý là công giáo đã khai thác không giấu diếm những sự kiện như thế này. Nhiều bloggers, nhiều “nhà dân chủ”, sau những ngày bị bắt, sau khi mãn hạn tù, đã theo đạo để tìm sự chở che của Chúa. Trên mạng cũng bắt đầu thấy hình ảnh bà Dương Hà xuất hiện ở nhà thờ. Giáo xứ Thái Hà còn tổ chức đốt nến cầu nguyện cho Cù Huy Hà Vũ. Để người dân tự do tín ngưỡng và tôn giáo trở thành một lực lượng giúp kiến tạo nền tảng đạo đức thì xã hội sẽ thêm an bình. Để tôn giáo trở thành một lực lượng chính trị thì hậu quả về lâu dài là không lường được.

Theo blog Chú Tư Ngố



SỰ ẤM Ớ ĐÁNG XẤU HỔ

Hồ Bất Khuất

Trong entry “Biến thảm họa thành cơ hội”, tôi đã đưa ra “kịch bản” lãng mạn nhất về vụ án TS Cù Huy Hà Vũ. Đương nhiên“kịch bản” này đã không thành hiện thực. Tôi không bực tức và ngạc nhiên lắm về điều này. Điều làm tôi thấy tủi hận nằm ở khía cạnh khác. Đó là sự ấm ớ về truyền thông tới mức lố bịch.

Vụ án xử TS Cù Huy Hà Vũ có sức hút đặc biệt

Những người giảng dạy về nguyên lý truyền thông thường nói một cách sinh động thế này:

Việc chó cắn người là một sự kiện bình thường, không có gì hấp dẫn. Còn nếu người cắn chó là một sự kiện đặc biệt, là tin tức rất có sức hấp dẫn.

Ở nước ta gần đây đã có nhiều phiên tòa xử một số người vi phạm điều 88 Bộ luật Hình sự. Nhưng đó cũng chỉ là những sự kiện “chó cắn người”. Còn vụ án TS Cù Huy Hà Vũ thuộc loại “người cắn chó” vì ông Vũ là con đẻ và con nuôi của hai thi sỹ nổi tiếng của nước ta là Huy Cận và Xuân Diệu. Bản thân ông Vũ lại là người giao du rộng, thân thiết với nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Có rất nhiều bức ảnh chụp ông Vũ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh… Người như vậy mà lại “chống lại Nhà nước, chống lại chính quyền” là điều rất đáng suy ngẫm. Vì vậy vụ án TS Vũ được nhiều người quan tâm là điều dễ hiểu.

Đáng ra toàn bộ vụ việc này và đặc biệt là phiên tòa xử ông Vũ phải được thông tin một cách rộng rãi, trung thực để mọi người suy ngẫm. Thế nhưng thực tế diễn ra ngược lại.

Ấm ớ đến lố bịch

Vụ án TS Cù Huy Hà Vũ bộc lộ khía cạnh lố bịch về truyền thông trong thế giới hiện đại. Tòa của ta, xử người của ta, giữa Thủ đô của nước ta, ấy thế mà tôi lại phải theo dõi thông tin qua báo chí nước ngoài. Theo như thông báo, phiên tòa diễn ra vào 8 giờ sáng ngày 4/4/2011, nhưng vào lúc 10 giờ sáng, không thấy tờ báo mạng nào của ta tường thuật. Trong khi đó, vào lúc 9 giờ 26 phút, BBC đã có bài và có ảnh về quanh cảnh phiên tòa. Sau đó BBC liên tục cập nhật. Còn tất cả các báo chí của ta, đến chiều mới đồng loạt đưa tin ông Cù Huy Hà Vũ bị kết án 7 năm tù.

Điều đáng nói là ở chỗ cho đến lúc đó cũng không có tờ báo chính thống nào tường thuật trung thực, chi tiết về những gì đã diễn ra ở phiên tòa xử ông Vũ. Lại vẫn phải nhờ cậy đến báo chí nước ngoài mới biết được đôi điều.

Nếu căn cứ vào hai luồng thông tin thì thấy chúng mâu thuẫn nhau và không biết hiểu thế nào cho đúng. Có điều thông tin không chính thống cho thấy bức tranh toàn cảnh trung thực hơn, dễ hiểu hơn.

Theo Luật sư Trần Đình Triển và một số luật sư khác nữa thì phiên tòa xử ông Cù Huy Hà Vũ ngày 4/4/2011 vi phạm Luật tố tụng Hình sự ngay từ ban đầu và người vi phạm là Hội đồng xét xử. Ông Triển nói rất rõ ràng là Điều 214 Bộ luật Hình sự bị vi phạm nghiêm trọng. Chính Hội đồng xét xử mà lại vi phạm Luật thì còn gì để nói nữa?!

Coi chừng phản tác dụng!

Thật ra, việc ông Vũ bị phạt tù bao nhiêu năm không quan trọng. Cái quan trọng là phải hiểu vì sao ông ấy bị phạt tù. Theo thông tin chính thống thì ông Vũ bị phạt 7 năm tù về tội chống lại chế độ XHCN. Nhưng ông ấy chống như thế nào và tại sao ông ấy chống thì không được nói rõ ràng.

Cần phải hiểu rằng vụ án xử TS Cù Huy Hà Vũ là một cơ hội để nhận thức những vấn đề quan trọng có tính nguyên tắc, như: Thế nào là lòng yêu nước? Thế nào là tuyên truyền chống chính quyền nhân dân? Làm thế nào để tăng uy tín quốc gia?… Đáng ra những vấn đề này phải được tranh tụng tại tòa, nhưng thật là buồn là ở phiên tòa vừa rồi không có phần tranh tụng vì các luật sư cho rằng Hội đồng xét xử đã vi phạm điều 214 Bộ Luật hình sự nên họ bỏ về. Còn ông Cù Huy Hà Vũ thì lại sẵn sàng nhận bất cứ bản án nào. Trong tình thế như vậy mà tòa vẫn tuyên án thì thật không hiểu được mục đích của phiên tòa là gì. Ấy thế nhưng các phương tiện thông tin chính thống vẫn thông báo rất hùng hồn về việc ông Vũ bị bị phạt 7 năm tù giam và 3 năm quản thúc. Phải chăng tòa và các phương tiện truyền thông đại chúng muốn biến ông Vũ thành “Mandela của Việt Nam ”?

Với cách xử án và thông tin như vừa qua, người ta không thấy ông Vũ phạm tội như thế nào, chỉ thấy ông hiên ngang chịu đựng mọi thứ người ta khoác lên đầu ông.

Những điều cay đắng đọng lại

Đọc những thông tin về vụ “Cù Huy Hà Vũ” trên báo chí chính thống, tôi có cảm giác các nhà báo của chúng ta không biết hành nghề (Mặc dù trên thực tế, chúng ta có nhiều nhà báo có trí tuệ, có bằng cấp, có kinh nghiệm và kỹ năng viết báo rất giỏi). Đó là điều cay đắng thứ nhất. Điều cay đắng thứ hai chính là ở trình độ, bản lĩnh của các quan tòa. Một vụ án quan trọng, đương nhiên phải cử những quan tòa giỏi ra để xét xử. Ấy vậy mà họ tỏ ra không hiểu biết pháp luật, hiểu biết đạo lý và thông lệ quốc tế. Điều cay đắng thứ ba là cách tổ chức phiên tòa và thái độ của các nhân viên an ninh. Việc ngăn đường, cấm đường, đánh người, bắt người có cần thiết không?

Những điều cay đắng trên dẫn đến điều cay đắng tiếp theo là chúng ta bị quốc tế phản đối, bị đặt vấn đề về nhân quyền, bị nghi ngờ về những cam kết. Giáo sư Ngô Bảo Châu rất có lý khi cho rằng: “Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này”.

Theo blog Nghệ nhân huyện Quỳnh

Saturday, March 19, 2011

Trên bàn nhậu tuần qua- số 4

1. Báo Cựu chiến binh đưa tin:”Ngày 13/3, Chính phủ Việt Nam đã quyết định trợ giúp nhân dân Nhật Bản 200.000 USD để góp phần khắc phục hậu quả do trận động đất và sóng thần gây ra hôm 11/3.” Không rõ báo này đưa tin có chuẩn không, Văn phòng chính phủ hay Chính phủ? Nếu là Văn phòng chính phủ, ủng hộ như thế là quá tốt. Còn nếu Chính phủ thì hơi bị bất ngờ. Đã đành của ít lòng nhiều nhưng của mình ít quá tự nhiên lại đến nghĩ cái lòng người ta. Hoạ sĩ Lý Trực Dũng đã viết:”Nên nhớ, dù trực tiếp hay gián tiếp, mỗi người dân Việt Nam chúng ta đều phải cảm ơn nhân dân Nhật Bản đã tích cực phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam và sau khi Việt Nam thống nhất, ngoài khoản viện trợ không hoàn lại rất lớn trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, dạy nghề… Nhật Bản là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 30% tổng vốn ODA của cộng đồng quốc tế cam kết giúp Việt Nam. Theo báo chí, tổng vốn ODA Nhật Bản giúp Việt Nam từ 1992 đến 2011 khoảng 15 tỉ USD! Chỉ riêng trong năm 2011 này là 1,76 tỉ USD. Đây là trợ giúp rất to lớn của nhân dân Nhật Bản để Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng, cầu đường, sân bay, nhà máy điện…” Chính vì thế hs Lý Trực Dũng đã than thở:” Cá nhân tôi và nhiều bạn bè của tôi đều cảm thấy xấu hổ, ngượng vì không hiểu nhân dân Nhật Bản sẽ nghĩ gì khi họ nhận được thông tin trên?” Dân nhậu cũng có tâm trạng như Lý Trực Dũng, hu hu.

2. Đọc cái Thư của Lượm từ chối trả tiền báo Vietnamnet mới biết báo tintuconline đòi Lượm hoàn lại số tiền mà tintuconline lo chi phí tàu xe, ăn ở khi đưa hai mẹ con em ra Hà Nội thấy ngao ngán quá trời. Mời người ta ra, chứ người ta có xin ra đâu, để làm việc cho mình, đến khi việc mình đổ bể thì đòi lại tiền chi phí, kể cả ” Tiền đưa hai mẹ con em đi ăn uống trong những ngày ở Hà Nội”. Rùng mình. Lại còn Văn phòng Luật sư AIC đề nghị tố cáo “cô Lượm”, thể theo “yêu cầu của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Vietnamnet và Bà Phạm Kim Ngân” thật không còn lời nào để nói.

Nếu sau vụ đổ bể mà Chương trình ” Người xây tổ ấm”, tintuconline và Lượm cùng nhau làm một chương trình xin lỗi thật chân thành và cảm động thì hay biết mấy. Chương trình có cả cô Lượm thật nữa lại càng hay. Khi đó Nhà đài chẳng những lấy lại được điểm mà còn được tăng điểm uy tín vù vù. Đằng này lại giở mấy trò tiểu nhân hạ cấp, chọc cười thiên hạ. Mới hiểu vì sao đàn bà đái không qua ngọn cỏ

3.Đọc bài Người “Down” bị hành CMND dân nhậu cười méo miệng. Khổ thân các cháu bị down, khi có việc thì đòi chứng minh thư, khi xin cấp chứng minh thư thì bảo các cháu bị đown không dám cấp. ” “Trường hợp này cấp giấy CMND không được đâu. Mấy đứa bị thần kinh, bệnh Down này dẫu có phạm tội thì cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cần gì làm CMND”. Thế nhưng “Mới đây, một số em thiểu năng trí tuệ trong lớp võ của tôi được chọn ra Hà Nội tham gia chương trình giao lưu, biểu diễn Aikido quốc tế. Đáng tiếc, có những em đành ở nhà vì không có chứng minh thư nên người ta dứt khoát không cho lên máy bay”. Làm người sao khó thế không biết.

4.Cái tin hơi bị hay: một công ty Trung Quốc hối lộ hàng triệu USD ở Campuchia: “Báo chí Campuchia ngày 16/3 đưa tin Phó Thủ tướng nước này Nhek Bun Chhay đã bị kiện vì nhận hối lộ 5,8 triệu USD của một công ty viễn thông Trung Quốc.”Ông Nhek Bun Chhay hiện cũng là Tổng thư ký đảng FUNCINPEC. Đơn kiện cáo buộc ông Nhek Bun Chhay về tội danh nhận hối lộ nhằm giúp một công ty viễn thông Trung Quốc mở mạng 3G tại đất nước chùa tháp.” Vui. Nhưng sao phải vất vả sang tận Campuchia moi tin? Hổng lẽ chỉ ở Campuchia mới có thôi sao?

5.Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định đình chỉ thi hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân TP Thanh Hóa về việc xác nhận kết quả bầu cử bổ sung chủ tịch UBND TP Thanh Hóa khóa XIX, nhiệm kỳ 2004- 2011.

Số là ông Đào Trọng Quý một mình một ngựa ứng cử Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hoá nhưng số phiếu không quá bán ( 42,1%). “Sau một hồi lúng túng, ngay trong buổi sáng cùng ngày, HĐND TP Thanh Hóa quyết định cho bầu cử lại lần 2 và ông Đào Trọng Quy đạt 25/36 đại biểu (một phiếu không hợp lệ), với tỉ lệ phiếu đạt 65,79%.” Chết cười. Bầu không trúng thì bầu lại, bầu đến khi nào trúng thì thôi. Luật chả luật thì thôi, lệ ta ta cứ làm, chuyện này chỉ riêng Thanh Hoá có thôi sao?

6.“Vòng hoa trên biển Trường Sa“-một ghi chép của báo Thanh niên về Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại vùng biển đảo Gạc Ma 23 năm trước được tổ chức trên tàu HQ996. Ghi chép rất hay, chỉ vì 2 chữ ” nước ngoài” đã làm cho người đọc hụt hẩng. Diễn văn của đại tá Nguyễn Kiểu Kinh có đoạn: “Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ bao đời nay và mãi mãi về sau là một phần máu thịt, là lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc VN. Nhưng với mưu đồ thôn tính Trường Sa, độc chiếm biển Đông, từ cuối năm 1987, đầu năm 1988, nước ngoài đã ngang nhiên đưa lực lượng quân sự chiếm đóng một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của VN“.

Có người đã hỏi: Nước ngoài là nước nào? Câu hỏi rất đúng. Tại sao không nói đó là Trung Quốc mà gọi là nước ngoài? Người ta cướp đảo mình mà mình còn không dám gọi đích danh tên của người ta ra thì đừng bao giờ nói chuyện giành lại đảo.


Copy từ blog quechoa

Saturday, March 12, 2011

Trên bàn nhậu tuần qua- số 3

1. Vụ án “Hiệu trưởng mua dâm” đã khép lại, mừng cho hai cháu Thuý, Hằng được trở về với gia đình, nhưng dân nhậu vẫn kêu ca về phiên toà xử kín này. Báo pháp luật TP HCM cho biết phóng viên và luật sư của hai em Thuý, Hằng đều không được vào trong phiên tòa mà không nhận được lời giải thích nào. ”Mặc dù xuất trình đầy đủ giấy tờ nhưng nhóm phóng viên đã bị một số người mặc thường phục, tự nhận mình là người bảo vệ an ninh trật tự chặn lại từ đầu đường. Khi được hỏi, những người này không xưng danh tính, chức vụ và không đưa ra lý do nào chính đáng. Khi bị chất vấn, một người trong số này nói: “Tôi không cần biết luật báo chí”.

Khi được hỏi việc từ chối luật sư, em Thuý đã nói:”Nói chung việc từ chối luật sư đấy là em tự nguyện, đơn thì do em viết nhưng cái việc ấy nó cũng có nhiều áp lực lắm. 12/6 em được gặp gia đình thì 13/6 họ vẫn vào để xem xét ý kiến của em thế nào rồi gây áp lực em viết một cái đơn từ chối luật sư.“

Hi hi đố ai nói được ở ta thế nào gọi là luật? Nếu có luận văn tiến sĩ Tòa án nước ta đã dùng luật như thế nào thì luận văn này nhất định nổi tiếng thế giới.


2. Biên tập chương trình Người xây tổ ấm trả lời vụ Lượm bịa đã gây phản ứng đồng loạt của nhiều báo. “Trong hơn 2 phút 30 giây, đại diện Nhà đài chỉ kể lại “hành trình” ra đời của Mối tình đầu bất hạnh của cô bé mồ côi, trong đó quy trách nhiệm cho “cô Lượm” là chính, đồng thời lên án sự bịa đặt của cô mà không một tiếng xin lỗi gửi đến khán giả” ( Báo Lao động).

Thiên hạ nói nhiều rồi, bản thân tui cũng vừa có bài Xin lỗi và đổ lỗi, chỉ xin nói thêm: Có lẽ từ nay khi phỏng vấn tuyển nhân viên, Nhà đài nên có câu hỏi: “Bạn biết xin lỗi là gì không?”

3. VnExpress đưa lên bài: Những quốc gia có khả năng vỡ nợ cao nhất thế giới, dịch từ khảo sát mới nhất của Business Insider dựa trên dữ liệu lấy từ hãng CMA Datavision và Bloomberg. Một khảo sát khá hay, điều đáng nói là cái tên Việt Nam xếp thứ 9 (từ dưới lên) trong số 18 nước có nguy cơ vỡ nợ đã bị VnExpress bỏ đi.

Tại sao lại phải bỏ? Nếu sợ anh Ba anh Tư thì đừng đăng, việc gì phải tháu cáy?

4. Khởi tố vụ án công an đánh dân gãy cổ chết. Theo đó thì trung tá Trần Văn Ninh bị tố cáo đánh dân gãy đốt sống cổ, gây tử vong. Nhưng trung tá Ninh cứ yên tâm, làm chết người trong khi thi hành công vụ như thiếu uý Nguyễn Thế Nghiệp cũng chỉ tù có 7 năm. Ráng ngồi chừng 3,5 năm thế nào cũng được ân xá.

5. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh gửi thư ngõ Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, chất vấn: “Chúng tôi được nghe một số đồng chí cựu chiến binh dự buổi gặp mặt ngày truyền thống Sư đoàn Đồng Bằng nói lại, trong buổi nói chuyện với đông đảo anh chị em hôm đó, đồng chí phê phán một số lão thành và tướng lĩnh viết những bức thư ký tập thể gửi lên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương là thiếu xây dựng, mang tính chất kích động.

Là một Trung tướng, lại là Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị, sao đồng chí lại ăn nói hồ đồ như vậy?“

Dân nhậu chỉ tiếc thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh đã không hỏi trung tướng câu hỏi này: “Trung tướng đã qui kết như vậy, liệu có qui kết chúng tôi là lực lượng thù địch hay không?“

6.Đại tướng Kim Jong-un vừa ra lệnh tăng cường bảo vệ ổn định trong nước trước tình hình chính trị trên thế giới đang ngày càng phức tạp. Đại tướng khẳng định các thế lực thù địch như Mỹ có ý đồ lật đổ chính quyền Bình Nhưỡng trong khi một bộ phận trong nước có tình trạng hoang mang về tư tưởng.

Trong khi đó Mỹ vừa xem xét khả năng viện trợ lương thực cho Bắc Hàn. Bắc Hàn xin viện trợ lương thực khắp nơi, kể cả nước nghèo đói nhất Châu Phi là Zimbabwe, nơi thu nhập bình quân đầu người hàng năm chỉ ở mức 200 USD.

Báo cáo Đại tướng, Đại tướng còn trẻ chưa biết chứ xưa nay nơi nào chỉ chú mục vào ”các lực lượng thù địch như Mỹ” thì nơi đó nghèo đói là cái chắc, không ngóc đầu lên được đâu.

7.Một người đàn ông tên Khoa đã bị vợ và hai con gái hành hung rất dã man, suýt chết. “Lúc Khoa kêu cứu thì đứa con gái tát vào mặt ông ý. Vợ ngồi lên đùi, con gái đè lên đầu ghì chặt rồi cứ thế đấm túi bụi vào bụng khiến em tôi chảy cả máu mồm máu mũi”. Khi ông Khoa kêu cứu thì bị con gái bóp cổ không cho kêu. Con gái của Khoa còn chửi bới những ai muốn cứu ông Khoa và ngăn cản không cho mọi người vào. “Việc nhà tôi, tôi tự giải quyết”.

Ua chầu chầu, con gái đánh chửi bố xưa nay hiếm. Từ nay nên có ngày Đàn ông Việt Nam, lấy 9/3 chẳng hạn, nếu không thì nguy to.



8. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ sẽ ra tòa vào ngày 24 tháng 3 sắp đến với tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Bauxite Việt Nam phỏng vấn LS Trần Đình Triển, người tham gia bào chữa cho CHHV. Đây là cuộc pv rất hay, tui nhất trí hoàn toàn quan điểm của ls Triển và lý lẽ của ông để khẳng định CHHV không có tôi. “Không những không có tội mà đó còn là những suy nghĩ và hành động rất tiến bộ và rất đáng khen.”

Tuy nhiên vì rứa mà tui lại không hoàn toàn tin tưởng ls Triển sẽ thắng trong một phiên toà mà ”tất cả mọi việc đã được xếp đặt sẵn rồi”, như chính ls Triển khẳng định.


Copy từ blog quechoa

Trên bàn nhậu tuần qua- số 2

1.Trên bàn nhậu tuần này, các món nhậu đều liên quan đến báo chí. Món nhậu đầu tiên tất nhiên là việc ông Nguyễn Anh Tuấn, tổng biên tập VietNamNet, xin nghỉ việc. Cũng như chuyện ông Trần Đăng Tuấn trước tết, lần này báo chí được dịp bàn tán, người nói ông Nguyễn Anh Tuấn xin từ chức, kẻ bảo ông xin thôi việc. Lại có những thì thầm ông bị mất chức, thậm chí bị mất việc… tùm lum tùm la.

Sắp tới chắc có thêm vài ba ông nữa ra đi, lại bàn tán, lối bàn tán để bán báo chứ chả phải bàn tán vì nỗi buồn thăm thẳm của báo chí nước nhà

2. Chuyện Cô “Lượm” trong “Người xây tổ ấm” lừa khán giả là tấn bi hài cười ra nước mắt mà làng báo nước nhà vừa mắc phải. Dân nhậu cứ hỏi nhau tại sao một cô bé được một bà ăn mày nhặt được trên ghế đá, còn nhỏ thì đi ăn mày, lớn lên thì đi bụi, không thấy học hành ngày nào lại có thể viết ra một câu chuyện rõ ràng sáng sủa, câu chữ chỉnh chu đến vậy? Chả biết nhà báo có đặt câu hỏi đó khi tung bài này lên báo hay không?. Vụ này VTV1 bị hố là cái chắc, sai sót nghiệp vụ quá rõ ràng. Liệu Nhà Đài ứng xử vụ này ra sao, xin lỗi hay im lặng đáng sợ? Còn nhớ ngày xưa khi clip cô VA, diễn viên chính của một phim truyền hình, được tung lên mạng, cho thấy đó là cô gái ăn chơi thác loạn. Dân chúng kêu ầm ầm, cấp trên ra lệnh cấm phát phim đó. Thay vì xin lỗi dân chúng, Nhà Đài đã làm một phóng sự chia tay với VA vô cùng cảm động. Chẳng biết lần này có thế không.

3.Đưa tin về Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển đảo, báo CAND có bài:”Đấu tranh hiệu quả với thông tin xuyên tạc sự thật“. Bác Ba sàm bình luận: “Theo báo Công an ND thì “Công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển đảo, phân giới cắm mốc” chủ yếu là Đấu tranh hiệu quả với thông tin xuyên tạc sự thật. Cứ lối tư duy, hành động vậy nên người dân mới phải mải miết đi tìm sự thật, không còn tin vào “tuyên truyền” nữa.“





4.Tạp chí Cộng sản có bài: “Facebook là Công cụ bí mật của Cục tình báo trung ương Mỹ“. ( Bài này TCCS đã tháo bỏ, xin đọc ở trang web Vietinfo). Rất nhiều trang Web khác đăng lại. Nhà báo Nguyễn Vạn Phú đã phát hiện bài này cơ bản dịch từ bài “Facebook – the CIA conspiracy” của báo nzherald.co.nz từ năm 2007. “Đây là thời điểm thiên hạ đang quan tâm đến chuyện hai anh em Winklevoss kiện Mark Zuckerberg vì cho rằng anh chàng sinh viên Harvard này ăn cắp ý tưởng Facebook của họ. Khai thác quanh chuyện kiện thì hết chi tiết mới rồi nên New Zealand Herald mới quay qua khai thác thuyết âm mưu về Facebook và CIA, viết theo kiểu nửa đùa nửa thật, cho ly kỳ, theo đúng phong cách thuyết âm mưu.



Vậy mà Tạp chí Cộng sản lại trích dịch bài này như một chuyện sự thật hiển nhiên với cái tít “Facebook-Công cụ bí mật của Cục tình báo trung ương Mỹ”.

Bó tay chấm com.



5. Báo Tuổi trẻ vừa đưa tin: “Dũng cảm treo quyết tâm lên… trụ điện“. Bản tin cho hay: “Cổng chào của “nhân dân (khu tập thể) Đống Đa” (TP Huế) thể hiện sự quyết tâm rất cao: sẵn sàng treo tuốt lên cột dựng trạm điện.

Quyết tâm này còn “kiên trì’ đến mức những dòng chữ thể hiện quyết tâm đã hoen rỉ, nhợt nhạt mà vẫn cứ sừng sững đập vào mắt người qua lại trên đường Lê Hồng Phong, nhìn rất… “khôi hài”.

Tin này dù không mới nhưng hay. Dân nhậu khen rằng đây là tin dũng cảm nhất của báo Tuổi trẻ trong vòng 3 tháng qua.



6.VTC News có bài: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – một con người bình dị” ca ngợi TBT Nguyễn Phú Trọng ”chỉ đạo sâu sát, có tư duy thông thoáng”. “Trên chốn công đường, ông là người “cầm cân nẩy mực” dân chủ, công bằng, kiên quyết và hiệu quả.” Ông còn rất bình dị, “khi đã là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội lại tới trường bằng xe máy.” Tất cả đều có thể tin, riêng điều này thì hơi bị bất ngờ: ”Ông ( Tức TBT Nguyễn Phú Trọng) được coi là một trong những nhà lý luận chính trị xuất sắc của Đảng ta.”

Từ trước tới nay chưa thấy ai gọi ông Nguyễn Phú Trọng là là nhà lý luận xuất sắc cả, ông vừa lên TBT được ba tháng đã trở thành “nhà lý luận chính trị xuất sắc của Đảng ta” rồi. Quá tài.

7. Báo Lao động có bài: “Những bộ phim Việt nổi tiếng nhất thế giới“, kể tên 9 bộ phim nổi tiếng nhất thế giới, kể cả phim Bi,đừng sợ mới ra lò chưa kịp nổi tiếng trong nước đã nổi tiếng nhất thế giới. Theo cách đánh giá này thì có thể kể hơn chục phim Việt nữa cũng nổi tiếng nhất thế giới. Đọc bài này dân nhậu chả còn biết nổi tiếng thế giới là gì và thế nào là nhất thế giới. Hu hu.


Copy từ blog quechoa

Trên bàn nhậu tuần qua- số 1




1.Cụ rùa hồ gươm là đề tài được bàn tán sôi nổi nhất, từ việc thành lập ban cấp cứu rùa đến hội nghị quốc tế rùa… đến nay vẫn chưa tìm được phương án khả thi để cứu cụ trong khi cụ đang lâm nguy. Dân nhậu bàn tán không phải chỉ vì cụ Rùa là vật linh hay động vật quí hiếm mà qua đó người ta thấy các nhà khoa bảng nước ta như thế nào, và lối tư duy rùa, hành động rùa và thói rụt cổ rùa của công chức nước ta ra sao. Tin mới nhất cho hay, chủ tịch Hội đồng cứu rùa là TS Lê Anh Tuấn Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, một sở y tế sinh ra để cứu người. Sở thú y ở đâu ta, hay là không có?

2. Tin bà Trần Thuý Liễu thú nhận đốt chồng- nhà báo Hoàng Hùng, làm mọi người thảng thốt. Đau và đắng là cảm giác dễ thấy khi biết được tin này. Trên bàn nhậu các nhà báo kháo nhau: Để tránh hoả hoạn nên định nghĩa lại vợ là gì. Theo đó các bệnh gút, tiểu đường rất dễ gây cháy nổ, cần phải cảnh giác.

Qua việc khai thác thông tin nói trên người ta dễ dàng phân biệt được báo nào là báo lá cải, báo nào thì không.

3.Tại cuộc họp giữa thường trực chính phủ và lãnh đạo các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ba điều dứt khoát: “Dứt khoát không để tỷ giá thả nổi. Dứt khoát không thể để tình trạng Đô la hóa cứ tiếp tục bất chấp pháp luật thế này. Dứt khoát các tập đoàn nhà nước phải bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước”.

VnEconomy cho biết Thủ tướng không giấu được sự giận dữ khi nói: “Không một đất nước nào như đất nước chúng ta, có khi mua thịt cũng lại tính bằng… “đô”. Quy định pháp luật cũng đã có đầy đủ rồi, tại sao chúng ta không thể quản lý nghiêm được?”.

Với mệnh lệnh thứ ba “dứt khoát các tập đoàn nhà nước phải bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước”, Thủ tướng hỏi: “Lúc đất nước khó khăn thế này mà còn găm giữ ngoại tệ thì là thế nào?”

Rất tán thành với Thủ tướng. Nhưng thiết nghĩ để thực hiện ba dứt khoát trên thì ta cần có ba dứt khoát khác, ấy là dứt khoát không tư duy theo lối ” Con cò mà đi ăn đêm”, dứt khoát không để các đại gia gửi đô la ra nước ngoài và các mệnh phụ của các đại gia dứt khoát không nhận phông bao bằng tiền đô.

4.VnEconomy đưa tin:Ngày 24/2, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có quyết định hủy kết quả giao dịch của cổ phiếu TVG do giá khớp chỉ có 100 đồng/cổ phiếu.Chắc chắn đây sẽ là mức giá “hài hước” nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ trước tới nay.

5. Báo Lao động đưa bài viết: “Thác nước – thiên đường chốn hạ giới “…nằm trong danh sách những cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời nhất đất nước Trung Hoa”. Thác Detian, chính là thác Bản Giốc.Ban Tuyên giáo Trung ương có công văn gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Tổng Liên đoàn, với tư cách là cơ quan chủ quản, kiểm điểm, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân sai phạm; báo cáo việc xử lý về Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan chức năng trước ngày 27 tháng 2 năm 2011. Hoan nghênh BTG đã phản ứng kịp thời. Còn tin này nữa: Đà Nẵng lại có tên lạ! Xin xử lý cho luôn vì nó là vấn đề quốc thể.

6. Rộ lên tin đồn Tổng thống Libya bị bắn chết. Trước đó, trong cuộc nói chuyện qua điện thoại được truyền hình trực tiếp từ al-Zawiya, cách thủ đô Tripoli khoảng 50km, Tổng thống Gaddafi cho rằng, những người biểu tình không thực sự có yêu cầu hay đòi hỏi gì mà đang bị giật dây bởi tên trùm khủng bố của tổ chức khét tiếng al-Qaeda.”Bin Laden… đây là kẻ thù đang lôi kéo và điều khiển nhân dân. Mọi người hãy đừng bị dao động bởi Bin Laden” ông Gaddafi đã nói như vậy.”Rõ ràng, hiện nay, cuộc nổi dậy này là do al-Qaeda châm ngòi và dẫn dắt. Giới trẻ và thanh niên ở đất nước chúng ta đang bị khích động bởi những kẻ đang bị Mỹ và thế giới phương Tây truy nã”, Nhà lãnh đạo Libya khẳng định.

Đọc tin này chợt nhớ đến bài “Ai đứng đằng sau các cuộc bạo động chính trị ở Ai Cập“, thấy vui vui.

Copy từ blog quechoa

Friday, January 28, 2011

Ăn uống ở Việt Nam và xu hướng ngọt hóa


http://phovietnam.info/wp-content/uploads/2010/07/file_uploadhanhdttpho-bo-tai-chin3429.jpgHôm nay, tiếp tục loạt bài "ghi chép cuối năm", tôi ghi lại đây vài cảm nhận về xu hướng ăn uống ở Việt Nam. Tôi sẽ tập trung nói về xu hướng ngọt hóa và tầm thường hóa món ăn Việt Nam.
 Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn, có rất nhiều quán ăn ngon, và con số này càng ngày càng nhiều. Đủ loại nhà hàng phục vụ các món ăn Bắc, Trung, Nam, Âu, Á, Latin, thậm chí cả món ăn Trung Đông. Đi quanh Sài Gòn chúng ta thấy nhà hàng và quán ăn nhiều hơn rạp hát hay rạp chiếu bóng, và chắc chắn nhiều hơn các tụ điểm bán sách báo, băng nhạc, và tranh ảnh gộp lại. Đành rằng "có thực mới vực được đạo", nhưng sự có mặt có quá nhiều quán ăn có thể diễn giải rằng dân ta ... ham ăn. Tôi thì muốn nhìn hiện tượng một cách tích cực hơn: sự hiện diện của nhiều quán ăn là một dấu hiệu cho thấy món ăn Việt Nam ngon. Phải ngon thì nhà hàng và quán ăn mới hấp dẫn được thực khách và tồn tại như thế. Vậy thì sao không quảng bá Sài Gòn như là "kitchen of the world" (nhà bếp của thế giới) như có chuyên gia Mĩ từng đề nghị?
Nói ra thì có vẻ “mèo khen mèo dài đuôi”, nhưng một cách công bằng và nghiêm chỉnh, tôi nghĩ có thể nói rằng: món ăn Việt Nam ngon.  Cũng có thể nói là “rất ngon”.  Phở, một món ăn “quốc hồn, quốc túy”, được khắp thế giới đánh giá rất cao.  Ngay cả những món như bánh xèo, chả giò, bì cuốn, hay ngay cả những món dân dã hơn như cá kho và canh chua cũng là những món ăn chẳng những ngon miệng và còn giàu dinh dưỡng.  Bởi vậy không ngạc nhiên chút nào khi người ngoại quốc đến Việt Nam lần đầu đều nhất trí nhận xét rằng món ăn Việt Nam là ngon.  Một anh đồng nghiệp người Úc của tôi, là một giáo sư về nội tiết học, sang Việt Nam giảng lần đầu, tôi hỏi anh thấy Việt Nam ra sao, thay vì trả lời câu hỏi tôi, anh nhiệt tình nói “món ăn tuyệt vời”.  Anh còn nói thêm trong cuộc đời đi khắp thế giới, chưa bao giờ anh thấy món ăn Việt Nam ngon như thế, và không ngần ngại nói rằng “ngon nhất thế giới”!  Tôi thì không dám nói như thế, nhưng có lí do để nói rằng những món ăn Việt Nam là một trong những món ăn ngon nhất thế giới.
http://kitchentoworld.com/wp-content/uploads/2009/10/banh_xeo-300x224.jpg
Bánh xèo: tôi không thấy nơi nào trên thế giới có món ngon này!
Cái ngon của ẩm thực Việt Nam không chỉ ngon miệng, mà còn ở tính cách văn hóa.  Giáo sư Trần Văn Khê có nhiều nhận xét tinh tế về văn hóa ẩm thực Việt Nam, trong đó ông cho rằng các món ăn Việt Nam có một sự cân đối âm dương.  Theo cách hiểu này, những món mặn là thuộc tính dương, còn ngọt và chua thuộc tính âm.  Do đó, người Việt chúng ta pha chế nước mắm với đường và chanh, hay dưa cải phải nhận trong khạp mắm thì mới quân bình âm dương.  Có lẽ chính vì sự cân bằng âm dương mà món ăn Việt Nam có một sức hấp dẫn rất cao, đến nổi có quán tự tin đặ tên quán là “Ăn là ghiền”.  Tôi biết có người Việt sống xa quê khi về Việt Nam, việc đầu tiên ngay sau khi xuống máy bay là đi ngay đến một quán ăn để … ăn cho đã.
http://upload.sao.vn/123/huyen/1209/29/nuocmam1-tapchiamthuc.vn.jpg
Nước mắm ớt: cân bằng âm dương
Món ăn Việt Nam không chỉ ngon miệng, có văn hóa, mà còn có tính toàn diện.  Toàn diện ở đây hiểu theo nghĩa món ăn được thưởng thức bằng thị giác, khứu giác, thính giác, xúc giác, và vị giác.  Chẳng hạn như nhìn món bánh xèo màu vàng rụm, được “trang trí” với rau xanh, bên cạnh chén nước chấm màu đỏ có chút ớt, cải trắng, cải cà-rốt được xắt nhỏ, chúng ta cảm thấy đẹp mắt.  Cắn một miếng bánh xèo nghe rôm rốp, cộng với mùi rau chát, thơm, cay, và nước chấm âm-dương, tất cả hòa huyện nhau tạo nên một món ăn tuyệt vời, một kinh nghiệm ẩm thực rất đáng nhớ đời mà không nơi nào trên thế giới có được.
Xu hướng “ngọt hóa”
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây tôi thấy có hai xu hướng đáng đáng tiếc đang xảy ra trong ẩm thực Việt Nam: đó là xu hướng ngọt hóa nhiều món ăn, và xu hướng tầm thường hóa món ăn Việt Nam trong các quán ăn.
Chưa bao giờ tôi chứng kiến tình trạng “ngọt hóa” các món ăn ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Nam, như hiện nay.  Nấu canh chua, người ta có xu hướng pha chế để nước súp ngọt.  Cá kho tộ, bản chất là một món ăn mặn và cay, mà cũng bị làm cho ngọt.  Mắm thái là món “favorite” của tôi ngày nào, nhưng bây giờ về Việt Nam thì không dám ăn nữa vì nó quá ngọt.  Món mắm tép ngày nào có vị chua và mặn nay trở thành quá ngọt.  Lẩu mắm cũng ngọt.  Khô cá thiều cũng trở thành món khô ngọt.  Món nước mắm ớt chua mặn có khi trở thành … nước đường.  Tôi nói không ngoa đâu.  Chưa một nhà hàng nào chế biến món nước mắm hợp khẩu vị của tôi.  Tất cả những dĩa nước mắm phục vụ cho các món như cơm tấm và gỏi đều quá ngọt, có khi ngọt cứ như là đường và tôi phải trả lại cho quán.  Rất nhiều lần vào một số nhà hàng, tôi phải yêu cầu chế biến lại hay gọi một món khác vì món ăn quá ngọt.

http://files.myopera.com/mietvuon/blog/DUAMAMCAY.jpg
Món dưa mắm: coi chừng ... ngọt!
Ngay cả món dưa mắm, một trong những món ăn tôi rất thích, cũng bị “ngọt hóa”.  Để chế biến món này, vỏ dưa hấu, dưa leo, đu đủ được nhận trong một cái khạp mắm khoảng vài tuần, sau đó lấy ra trộn với chanh, ớt, và tỏi. Đó là món ăn không thể nào vắng mặt trong bữa ăn của người miền Tây.  Hay như món dưa điên điển cũng rất tuyệt vời, nhưng món này thì tùy thuộc theo mùa điên điển (mùa nước nổi).  Nhưng tôi đã nhiều lần thất vọng với những món ăn này trong các quán ăn vì cái ngọt giết chết món ăn dân dã vốn cân đối âm dương (có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt).  Hơn 10 năm qua, chưa một lần tôi hài lòng với những món ăn này ở các quán trên khắp các tỉnh thành miền Tây và Sài Gòn.  Tôi thất vọng đến nổi phải cảnh giác.  Hầu hết khi kêu những món này, tôi ra điều kiện rằng nếu ngọt quá, tôi trả lại.
Nhiều người miền Bắc nhận xét rằng người miền Nam thích ăn ngọt.  Nhưng tôi có thể khẳng định rằng trước 1975 và sau 1975 vài năm, người miền Nam không có xu hướng ăn ngọt như hiện nay.  Ăn ngọt dĩ nhiên là thiếu lành mạnh.  Tuy rằng sự liên đới giữa hàm lượng đường từ thức ăn và nguy cơ tiểu đường không nhất quán mấy, nhưng ở Việt Nam rất có thể chính vì xu hướng ngọt hóa này làm cho gần 10% dân số bị bệnh tiểu đường chăng?  Đó là chưa kể hệ quả các bệnh tim mạch.  Thật ra, ăn nhiều đường cũng có thể làm giảm tuổi thọ.  Tôi nhớ cách đây không lâu, có một nghiên cứu chỉ ra rằng người ăn nhiều đường có nguy cơ tử vong cao hơn và chết sớm hơn so với người ăn ít đường.
Rất khó giải thích tại sao người miền Nam có xu hướng ăn ngọt, nhưng tôi chợt nghĩ đến giả thuyết “thrifty genotype”.  Rất có thể trong thời bao cấp, người miền Nam quá thiếu thốn về mặt dinh dưỡng, nhất là đường và mỡ, vì thời đó những thực phẩm này có khi được xem là xa xỉ.  Đến khi mở cửa, kinh tế khá lên, người ta phải ra sức tích lũy những thứ “xa xỉ” đó để thỏa mãn nhu cầu, và có lẽ cũng để phòng ngừa cho những bất trắc trong tương lai.  Chỉ là một suy nghĩ vẩn vơ …
Cái muỗng
Một xu hướng khác rất đáng quan tâm là “tầm thường hóa” món ăn.  Điều tôi phàn nàn nhiều nhất, bực mình nhất là vấn đề cái muỗng.  Muỗng không phải là cái gì quá mới trong văn hóa ẩm thực Việt Nam.  Theo tôi biết, một vài cái muỗng đẹp, được chạm trổ cầu kì với hoa văn tinh tế đã được tìm thấy trong các di chỉ văn hóa Đông Sơn.  Điều này chứng tỏ từ thưở xa xưa, cha ông chúng ta đã biết dùng muỗng cho các bữa ăn.  Do đó, có thể nói muỗng là một dụng cụ ăn uống cổ truyền.  Nhìn muỗng Đông Sơn thấy lòng muỗng sâu hơn muỗng theo mô hình Trung Quốc ngày nay.
photo
Muỗng Đông Sơn

Muỗng có chức năng dùng làm công cụ nêm nếm khi nấu ăn (như để đo lường và trộn thức ăn).  Nhưng trong văn hóa Á Đông, muỗng còn được sử dụng để ăn cơm và những món ăn nhẹ như kem, cơm, trứng.  Cũng có khi muỗng được sử dụng cho súp, nhưng phải là muỗng có dung lượng thích hợp.
http://lh3.ggpht.com/_5qPjaVdMU8A/TTex9RxOqnI/AAAAAAAAGQo/SbpkZidIGSw/s720/Eetrite1.jpg
Quán ăn bày biện muỗng như thế này (thật ra tồi hơn những muỗng này) để ... ăn phở!
Điều đáng buồn ngày nay là các quán ăn Việt Nam dùng muỗng một cách tùy tiện và có thể nói là vô văn hóa.  Vào các quán ăn ở Việt Nam, chúng ta dễ dàng thấy cái muỗng làm bằng nhôm hay inox rất mỏng (loại rẻ tiền) và quan trọng hơn là rất … cạn.  Có loại muỗng cạn đến nổi chỉ như một tấm tole bằng phẳng.  Ấy thế mà người ta dọn cái muỗng như thế cho thực khách để ăn phở, hủ tíu, bún bò huế, thậm chí để húp súp.  Chỉ cần múc một muỗng nước, nếu may mắn lắm giữ cho muỗng thăng bằng thì thực khách chắc có được vài mil nước súp!  Còn nếu múc nhanh thì chẳng có nước súp nào để thưởng thức.  Ấy thế mà nhà hàng nào, quán ăn nào cũng có những cái muỗng như thế.  Tôi thật sự không hiểu trong đầu những người chủ quán hay người sản xuất ra những cái muỗng đó để làm gì.  Nếu để làm cảnh thì khỏi phải bàn, nhưng nếu để ăn uống thì chắc đó là một trò đùa vô văn hóa nhất, vô duyên nhất, và … dã man nhất mà tôi từng biết.

Giấy đi cầu tiêu trên bàn ăn
Một trong những nỗi khổ của thực khách khi vào các quán ăn và nhà hàng ở Việt Nam là không có khăn giấy.  Ở những quán ăn, người ta không có giấy serviette cho thực khách lau miệng.  Thay vào đó, quán ăn bày biện trên mỗi bàn một cuốn giấy toilet (dùng đi cầu tiêu) để thực khách sử dụng!  Thử tưởng tượng bạn kêu một món ăn như phở hay hủ tíu, hay món cơm tấm, mà trước mặt là một cuộn giấy đi cầu tiêu!  Ôi, tục tĩu làm sao!  Có nơi người ta cắt những tờ báo nhật trình thành những tấm giấy vuông khoảng 3x3 cm để cho khách … lau miệng, trông cực kì phản cảm. Ấy vậy mà thực khách vẫn dùng và không hề có phàn nàn gì. Và, cái “văn hóa” dùng giấy đi cầu để lau miệng này rất phổ biến từ Bắc chí Nam.  Nhiều khi tôi tự hỏi chẳng lẽ người Việt mình kì cục như thế.  Khách nước ngoài sẽ nghĩ gì khi thấy cái cảnh tượng như thế?
http://ttnn.com.vn/ImageHandler.ashx?f=~/App_Data/News/Images/1235869374.img.jpg&w=450&h=305&c=%23FFFFFF
Những cuộn giấy đi cầu như thế dùng để ... lau miệng trong quán ăn!
Ngay cả ở những nhà hàng sang trọng, người ta cũng rất tiết kiệm giấy serviette.  Tiếp viên chỉ dọn bữa ăn kèm theo một tờ giấy duy nhất (thường là loại rẻ tiền, có thể mua từ Trung Quốc) cho mỗi thực khách.  Cố nhiên, chẳng ai dám đụng vào những cái khăn ướt bằng vải vì không ai có thể đoán người ta đã dùng những hóa chất gì trong đó và bao nhiêu vi khuẩn đang trực chờ khách.  Nói đến đây tôi chợt nhớ rằng nhiều khách sạn 4 sao ở Sài Gòn (nhất là khách sạn do Nhà nước quản lí) cũng không có một hộp giấy serviette cho khách sử dụng.  Xin lặp lại: khách sạn 4 sao mà không có giấy servitte cho khách.  Tôi chẳng hiểu tiêu chuẩn 4 sao gì mà lạ lùng thế!
Ăn cơm tấm không có dao
Một đặc điểm “văn hóa” ăn uống ngày nay ở Việt Nam rất đáng chú ý là: ăn cơm tấm không có dao.  Tôi đã từng đi qua nhiều tỉnh thành, từ quán bình dân đến nhà hàng sang trọng (cố nhiên là chưa đi hết), và “khám phá” ra không một nhà hàng và quán ăn nào cung cấp cái dao cho thực khách ăn cơm tấm cả.  Không có.  Người ta dọn ra một dĩa cơm tấm nhỏ (chắc chỉ bằng 1/5 dĩa cơm tấm bên Little Saigon), bên cạnh đó chỉ có hai lát dưa chua (nhưng rất ngọt như đường phèn, thường tôi phải gạt bỏ đi), hai lát dưa leo khô khốc, một miếng sườn nướng, một cái nỉa, một cái muỗng mỏng tanh, và một đôi đũa.   Không có dao.  Ngay cả quán TK (khá nổi tiếng) cũng như thế: không có dao cho khách ăn cơm tấm.  Quán “Cơm tấm Cali” rất uy tín và sạch sẽ, chẳng hiểu sao cũng bắt chước theo “truyền thống không dao”.  Phải mở ngoặc để nói thêm rằng quán này (Cơm tấm Cali) cũng có xu hướng ngọt hóa món nước chấm, nước mắm mà ngọt cứ như là đường đông đặc.  Không hiểu cái “phong tục” này bắt đầu từ lúc nào, nhưng tôi biết rằng trước 1975 không có phong tục này.
http://www.dinhduong.com.vn/files/u22/com-tam-suon-bi-trung.jpg
Một dĩa cơm tấm như thế này mà không có dao!
Cứ mỗi lần như thế tôi phải hỏi người tiếp viên vậy làm sao ăn sườn nướng, thì họ thường chỉ vào cái … nỉa.  Hình như tiếp viên chưa bao giờ được huấn luyện cách ăn nói với khách, hay cách ăn uống và sử dụng công cụ ăn uống sao cho thích hợp.  Có lần vào quán TK, tôi hỏi xin một cái dao, tiếp viên thản nhiên nói … không có.  Tất nhiên là em này nói dóc.  Nói dóc một cách trắng trợn và không biết ngượng.  Tôi đành phải để lại bữa cơm, trả tiền sòng phẳng, và bình thản bỏ đi trong cái nhìn ngạc nhiên của mọi người chung quanh. Dĩ nhiên, xác suất tôi quay lại quán này lần thứ 2 trong đời có lẽ bằng 0!
Vấn đề
Tôi vẫn tự hỏi tại sao một đất nước có văn hóa ẩm thực như Việt Nam ngày nay lại có thể duy trì những cách phục vụ ăn uống tùy tiện như mô tả trên.  Trước hết, nó thể hiện sự thiếu tinh tế trong cách trình bày món ăn.  Cái ngon là một khía cạnh quan trọng, nhưng hình thức trình bày cũng không kém phần quan trọng, bởi vì nó có thể làm tăng giá trị của món ăn. Tôi đã từng vào một nhà hàng Thái, món salad bắp chuối của họ được trình bày với rau xanh cực kì bắt mắt và nước chấm (nhưng “nội dung” chính chỉ là phân nửa cái bắp chuối) mà họ tính giá 15 đôla Mĩ.  Nói như thế để thấy cái “added value” của món ăn có khi còn quan trọng hơn cả cái ngon của món ăn.
Sự thiếu tế nhị trong việc không cung cấp dao hay dùng giấy đi cầu làm giấy lau miệng chỉ có thể nói là vô văn hóa.  Và, tính vô văn hóa đó khó có thể biện minh được.  Có thể nó thể hiện cái văn hóa tiểu nông mà nhiều người nhắc đến (tức là làm qua loa, làm cho có, tủn mủn), nhưng tôi lại nghĩ nó thể hiện sự lười biếng trong suy nghĩ.  Người ta không chịu đầu tư thì giờ để suy nghĩ về sự tinh tế trong cách trình bày món ăn.
Tôi có cảm giác rằng một số món ăn truyền thống đang bị biến tướng thành những món ăn quá ngọt, mất cân đối âm dương, thiếu lành mạnh, và có hại cho sức khỏe.
Món ăn Việt Nam rất ngon và xứng đáng có một chỗ đứng trang trọng trong ẩm thực thế giới.  Để có chỗ đứng đó, món ăn Việt Nam cần được bày trí một cách đẹp mắt, hài hòa. Không cần bày trí một cách cầu kì, phức tạp; cần đơn giản nhưng phải lịch sự và tinh tế.  Ngoài ra, cần phải đảm bảo mỗi công cụ ăn uống (thực cụ) phải thích hợp với từng món ăn.

Theo: http://nguyenvantuan.net

Nghĩ trước thềm xuân

LÊ MAI

Năm 2011, tính theo lịch ta, khởi đầu bằng một ngày khá đặc biệt – ngày Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất hai tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam trên đất Hương Cảng. Sự trùng hợp ngẫu nhiên này có thể là một sự trùng hợp lịch sử, song nó còn là thông điệp gửi đến cho tương lai, ĐCS sẽ tiếp tục lãnh đạo dân tộc này, đất nước này như thế nào hầu đưa đất nước vươn lên, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước của người sáng lập?

Câu hỏi không dễ trả lời – dẫu một kỳ ĐH của ĐCS vừa kết thúc. Hiển nhiên, ánh sáng của các chính sách sẽ chiếu rọi khắp nơi trên cả nước. Song giờ đây, khi mùa xuân sắp về, nhìn ra ngoài khung cửa, chỉ thấy mênh mông mờ mịt một màu xám ngắt, cộng với cái lạnh tê tái từ phía Bắc, vượt qua đèo Hải Vân cao vút lỗ châu mai tràn vào. Bầu trời thành phố vẫn đầy mây mù, chưa thấy tín hiệu nắng lên. Năm nay, hình như thiếu đi cái vẻ tất bật, rộn ràng của những ngày giáp Tết? Người đi lại trên đường phố hình như thưa vắng hơn? Chợ búa hình như ít người hơn? Mua bán hình như ít tấp nập hơn? “Siêu lạm phát B52 rải thảm trên toàn bờ cõi. Sông dài cá lội biệt tăm. Anh hùng kẻ gian đánh tráo lộn sòng”? Cái không mấy thay đổi, có lẽ là những câu khẩu hiệu mừng đảng, mừng xuân giăng khắp phố phường?

Nói đến đảng, nhất là ĐCS, luôn luôn phải thận trọng, suy nghĩ thấu đáo, nhất thiết không thể tuỳ tiện. Tôi không dám lạm bàn. Thế là tôi nhớ đến một bài viết của Trần Bạch Đằng – nhà cách mạng lão thành, nhà nghiên cứu uyên bác về “nỗi thèm khát nóng bỏng”. Ông muốn nói thèm khát cái gì?

Ấy là những năm kháng chiến chống Pháp, ở Nam Bộ, các ông Lê Duẩn, Phạm Hùng, Hà Huy Giáp, Ung Văn Khiêm, Trần Bạch Đằng…luôn được các ba, các má, các chị thương yêu, đùm bọc, chở che. Nhiều khi, họ gọi các nhân vật lẫy lừng ấy bằng “thằng” – một cách gọi thân mật, thân thiết rất Nam Bộ.

Hãy đọc hai câu thơ của Trần Bạch Đằng viết về Lê Duẩn:

Má gọi bằng thằng và cười ấm áp

Anh bồi hồi như mọi tầm cao

Hai câu thơ nói lên lòng tin cậy, sự mến thương, bình đẳng của người dân đối với Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ lúc bấy giờ và cũng nói lên cảm xúc sâu lắng của Bí thư Xứ ủy. Nhà thơ phải rất cao tay và rất hiểu “nhân vật” mới có thể viết được như vậy. Trong trường hợp này, được người dân kêu bằng “thằng” – như Lê Duẩn, thật không dễ dàng. Và dĩ nhiên, đó là một niềm vui, một phần thưởng từ người dân.

Đáng mừng là lúc bấy giờ có nhiều người thuộc “đẳng cấp thằng”: Thằng Ba Duẩn, thằng Ba Khiêm (Ung Văn Khiêm), thằng Tám Hà (Hà Huy Giáp), thằng Hai Hùng (Phạm Hùng)…

Vẫn lời Trần Bạch Đằng:

“…khi cùng bơi xuồng với anh Ba Duẩn, ghé xin nước uống một nhà trên bờ kênh.

- Tao biết mầy là thằng Ba Duẩn – chủ nhà trao gáo nước mưa cho anh Ba và bảo:

- Mầy là chỉ huy cao hơn hết ở xứ Nam này, ai cũng phục, vậy tại sao mầy để thằng con của hương hào Lẹ làm chủ tịch xã?

….

- Tôi sẽ giải quyết vụ này! – Anh Ba tự xem có lỗi, đã hứa, phải qua phiên dịch của tôi vì giọng Quảng Trị của anh rất khó nghe. Chủ nhà cười rạng rỡ:

- Tao biết tụi bây quang minh chánh đại mà!”

Cuộc đối thoại thật thú vị. Một người dân “tao, mầy, thằng” với Bí thư xứ uỷ Nam Bộ và ông Bí thư lập tức giải quyết thắc mắc của người dân. Không gì có thể nói nhiều hơn chi tiết ấy.

Câu chuyện trên gợi cho chúng ta trả lời câu hỏi, phải chăng nỗi thèm khát nóng bỏng của Trần Bạch Đằng là giá mà bây giờ đảng viên được người dân gọi bằng “thằng” với tất cả sự tin yêu, quý mến? Thế nhưng, đáng buồn là hiện thực rất phũ phàng, người dân hiện nay cũng gọi không ít cán bộ, đảng viên bằng “thằng” song không phải là “thằng” theo nghĩa Nam Bộ…

Lại có một cách gọi khác cũng không kém phần độc đáo của Mười Trí (Huỳnh Văn Trí), một nhân sỹ miền Nam, từng là một nhân vật khét tiếng trong giới giang hồ (Bình Xuyên), đã đi theo kháng chiến vì dân tộc. Sau khi Bảy Viễn về thành, Mười Trí viết thư cho Hồ Chí Minh, gửi qua Phạm Hùng. Đó chính là “Bức tâm thư kính gửi anh Hồ Chí Minh” độc đáo của Mười Trí. Trong thư, Mười Trí gọi Hồ Chí Minh là “anh” và xưng là “thằng em của anh”: “thằng em của anh là Mười Trí gửi thư này chúc anh mạnh khỏe…thằng em của anh xin hứa chắc với anh là thằng em của anh sẽ tiếp tục kháng chiến cho tới thắng lợi cuối cùng”.

Các nhân vật trong đoàn Phạm Hùng toát mồ hôi khi đọc thư Mười Trí, vì nó có vẻ “giang hồ” quá. Nhưng sau khi phân tích kỹ, cả đoàn đều đồng ý chuyển thư này lên Hồ Chí Minh. Vì đây chính là khẩu khí, phong cách, tâm hồn của một người từng trong giới giang hồ theo kháng chiến. Họ phải rất quý, rất phục ai đó, họ mới xưng hô như vậy. Đó cũng là một nét độc đáo của văn hóa VN, con người VN.

Hai câu chuyện đều nói lên mối quan hệ giữa người dân và lãnh đạo. Khi người lãnh đạo hiểu dân, thực sự vì dân, người dân sẽ quý họ, không một “lý luận” nào có thể thay thế điều đó – “lý luận giáo điều” càng không thể!

Bây giờ, chúng ta trở về với hoa trái mùa xuân. Những chậu quất bày đầy dọc phố, trái vàng rực nằm lẫn trong lá xanh, mùa xuân về rồi đấy nhỉ. Hoa tầm xuân xanh biếc, hoa cúc vàng rực, hoa lay ơn đỏ, hoa lan lá xanh với bông trắng…Có lẽ cái lạnh năm nay làm cho hoa mai – loài hoa đặc trưng của Tết miền Nam, nở muộn…

Đất trời đang sang xuân. Dù hoa nở muộn, mùa xuân vẫn cứ về, cũng như đất nước này, dân tộc này vạn đại tươi xanh.

(Lê Mai’s blog)

Saturday, January 22, 2011

Phúc - Lộc - Thọ, các cụ là ai ?

DƯƠNG DUY NGỮ

Theo truyền thuyết của người Hoa Hạ, ông Lộc là một quan tham chuyên ăn của đút lót. Ông Thọ lại là vị quan thực dụng, ưa xu nịnh vua để được ban thưởng, trong dinh của ông cung nữ nhiều chẳng kém ở cung vua. Chỉ có ông Phúc là quan thanh liêm, ngay thẳng, con cháu đề huề.

Hiện nay, từ thành thị đến nông thôn, ở đâu ta cũng gặp các cụ Phúc, Lộc, Thọ. Các cụ thường được đặt ở nơi trang trọng nhất trong phòng khách, trên nóc tủ chè, có nhà còn làm cả bàn thờ rõ đẹp để thờ ba cụ cầu mong được phúc, được lộc, được thọ. Người sang thì có cả ba cụ bằng gốm Tàu rõ to, rõ đẹp. Người tầm tầm thì bằng gỗ pơ-mu hoặc sứ Bát Tràng…

Xin thưa, theo truyền thuyết, cả ba cụ đều là người Hán và dĩ nhiên đều sinh ra ở Trung Nguyên. Và ba cụ đều làm quan to ở ba triều đại.

Hãy kể theo thứ tự, bắt đầu từ cụ Phúc. Cụ Phúc tên thật là Quách Tử Nghi, Thừa tướng đời Đường. Cụ xuất thân vốn là quý tộc, đồng ruộng bát ngát hàng trăm mẫu, nhưng suốt cuộc đời tham gia triều chính, cụ sống rất liêm khiết, thẳng ngay. Không vì vinh hoa, phú quý mà làm mất nhân cách con người.

Cụ bà và cụ ông bằng tuổi nhau. Người Việt ta có câu: “Cùng tuổi nằm duỗi mà ăn”. Còn theo người Hoa Hạ ở Trung Nguyên thì vợ chồng cùng tuổi là rất tốt. Họ có thể điều hòa sinh khí âm, khí dương cho nhau. Vì vậy, có thể bớt đi những bệnh tật hiểm nguy. Lại cùng tuổi nên dễ hiểu nhau, dễ thông cảm cho nhau, nên hai cụ rất tâm đầu, ý hợp. Hai cụ 83 tuổi đã có cháu ngũ đại. Lẽ dĩ nhiên phải là nam tử rồi. Cụ Phúc thường bế đứa trẻ trên tay là như vậy. Theo phong tục của người Hoa cổ đại, sống đến lúc có cháu ngũ đại giữ ấm chân nhang của tổ tiên là sung sướng lắm lắm! Phúc to, phúc dày lắm lắm! Bởi thế cụ mới bế thằng bé, cháu ngũ đại, đứng giữa đời, giữa trời, nói:

- Nhờ giời, nhờ phúc ấm tổ tiên, ta được thế này, còn mong gì hơn nữa. Rồi cụ cười một hơi mà thác. Được thác như cụ mới thực sự được về cõi tiên cảnh nhàn du.

Cụ bà ra ôm lấy thi thể cụ ông và chít nội than rằng:

- Tôi cùng tuổi với chồng tôi. Phúc cũng đủ đầy, dày sâu, sao giời chẳng cho đi cùng…

Ai có thể ngờ, nói dứt lời cụ bà cũng đi luôn về nơi chín suối. Hai cụ được con cháu hợp táng. Vậy là sống bên nhau, có nhau, chết cũng ở bên nhau, có nhau. Hỏi còn phúc nào bằng. Và cụ được người đời đặt tên là Phúc.

Cụ thứ hai là cụ Lộc. Cụ Lộc tên thật là Đậu Từ Quân, làm quan đến chức Thừa tướng nhà Tấn. Nhưng cụ Đậu Từ Quân là một quan tham. Tham lắm. Cụ hưởng không biết bao nhiêu vàng bạc, châu báu, là của đút lót của những kẻ nịnh thần, mua quan, bán tước, chạy tội cho chính mình, cho con, cho cháu, cho thân tộc.

Trong nhà cụ, của chất cao như núi. Tưởng cụ Đậu Từ Quân được như thế đã là giàu sang, vinh quang đến tột đỉnh. Cụ chỉ hiềm một nỗi, năm cụ tám mươi tuổi vẫn chưa có đích tôn. Do vậy cụ lo nghĩ buồn rầu sinh bệnh mà chết. Cụ ốm lâu lắm. Lâu như kiểu bị tai biến mạch máu não bây giờ. Cụ nằm đến nát thịt, nát da, mùi hôi thối đến mức con cái cũng không dám đến gần. Đến khi chết, cụ cũng không nhắm được mắt. Cụ than rằng:

- Lộc ta để cho ai đây? Ai giữ ấm chân nhang cho tổ tiên, cho bản thân ta?

Còn cụ thứ ba, cụ Thọ. Cụ Thọ tên là Đông Phương Sóc, làm Thừa tướng đời Hán. Triết lý làm quan của cụ Đông Phương Sóc là quan thì phải lấy lộc. Không lấy lộc thì làm quan để làm gì. Cụ coi buôn chính trị là buôn khó nhất, lãi to nhất. Nhưng cụ Đông Phương Sóc vẫn là quan liêm. Bởi cụ nhất định không nhận đút lót. Cụ chỉ thích lộc của vua ban thưởng. Được bao nhiêu tiền thưởng, cụ lại đem mua gái đẹp, gái trinh về làm thê thiếp. Người đương thời đồn rằng, trong dinh cụ, gái đẹp nhiều đến mức chẳng kém gì cung nữ ở cung vua.

Cụ thọ đến 125 tuổi. Nên người đời mới gọi cụ là ông Thọ. Trước khi về chốn vĩnh hằng, cụ Thọ còn cưới một cô thôn nữ xinh đẹp mới mười bảy tuổi. Cụ Đông Phương Sóc bảo, cụ được thọ như vậy là nhờ cụ biết lấy-âm-để-dưỡng-dương.

Do cụ Đông Phương Sóc muốn có nhiều tiền để mua gái trẻ làm liều thuốc dưỡng dương, cho nên suốt cuộc đời của cụ, cụ chỉ tìm lời nói thật đẹp, thật hay để lấy lòng vua. Có người bạn thân khuyên cụ:

- Ông làm quan đầu triều mà không biết tìm lời phải, ý hay can gián nhà vua. Ông chỉ biết nịnh vua để lấy thưởng thì làm quan để làm gì.

Cụ Đông Phương Sóc vuốt chòm râu bạc, cười khà khà bảo:

- Làm quan không lấy thưởng thì tội gì mà làm quan. Can gián vua, nhỡ ra vua phật ý, tức giận, chém đầu cả ba họ thì sao?

Cụ Đông Phương Sóc 125 tuổi mới chịu từ giã cõi đời. Khi cụ chết thì con không còn, cháu cũng đã hết cơm hết gạo mà chắt đích phải làm ma, phải thay cha, thay ông, chở cụ nội. Vậy làm quan như cụ, thọ như cụ phỏng có ích gì?

Qua ba bức tượng Phúc, Lộc, Thọ người đời thấy, người Hoa Hạ thật là tài giỏi. Họ đã khéo xếp ba vị thừa tướng, ba tính cách khác nhau ở ba triều đại khác nhau để răn đời.

Trong ba điều ước Phúc, Lộc, Thọ ấy chỉ có thể được một mà thôi.

( Theo Chút lưu lại)