Saturday, November 20, 2010

Của ai ? Bao nhiêu ? Và ai giám ?


Có 3 câu hỏi đã được đặt ra sau Đại lễ 1000 năm: Chi phí cho Đại lễ hết bao nhiêu? Ai sẽ là người kiểm tra giám sát sự đúng-sai, hiệu quả, hay không hiệu của của những khoản chi này? Và số tiền đó là tiền của ai?
Dân đóng tiền và dân được biết
Câu hỏi thứ 3 đã được trả lời. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh có văn bản gửi các đại biểu QH nói: Tiền cho Đại lễ là từ Ngân sách Trung ương, từ Ngân sách địa phương, là tiền hảo tâm đóng góp các cá nhân, tổ chức….Tiền ngân sách đương nhiên là tiền thuế do nhân dân đóng góp. Và tiền hảo tâm nào thì cũng là tiền của nhân dân và việc sử dụng không đúng, hoặc lãng phí, ngoài trách nhiệm trước nhà nước, trước pháp luật, còn có tội trước mồ hôi nước mắt của đồng bào.
Đại biểu QH Nguyễn Lân Dũng đã chính thức gửi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị xác định lại thông tin rằng “chi phí cho Đại lễ lên đến 90.000 tỷ đồng và việc  mua 2.000 viên rubi từ châu Phi để lắp mắt cho 1.000 con rồng dùng làm tặng phẩm”. Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch đã có 7 phút trả lời trước QH. Bộ Tài chính có hẳn văn bản trả lời. Cả Bí thư Thành uỷ lẫn Chủ tịch UBND TP Hà Nội đều đã được hỏi rất nhiều lần, cùng với một câu “Chi phí Đại lễ hết bao nhiêu?”. Nhân dân quan tâm đến câu chuyện tiền nong cho Đại lễ và họ được quyền biết. Các vị đại biểu dân cử được quyền hỏi. Và, báo chí được quyền thông tin về khoản tiền này. Đây là một đòi hỏi chính đáng trong một xã hội mà cả Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn khẳng định sự minh bạch chính là một trong những biện pháp hữu hiệu chống tham nhũng và là chìa khoá làm trong sạch bộ máy nhà nước.
Có món quà nào dành riêng cho Chủ tịch?
Tuy nhiên, Đại lễ đã qua được hơn 1 tháng, chưa có bất cứ ai, dù là người đứng đầu Chính phủ, được biết số tiền thực chi cho Đại lễ là bao nhiêu. Nhân dân chỉ được khẳng định rằng cả Thành phố, lẫn các bộ, ngành đều đã “rất tiết kiệm”. Bộ trưởng Hoàng Anh Tuấn thì khẳng định nói 4-5 ngàn tỷ cho Đại lễ là không phải. "Bộ đã rất tiết kiệm, từ đầu năm đến giờ số chi so với dự toán mới đạt 57,5%, số thực chi mới 88 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh thì đưa ra một con số cụ thể hơn, rằng: Thủ tướng đã duyệt cấp 218,4 tỷ đồng. Và “Các khoản chi từ ngân sách các địa phương, trong đó chủ yếu là Hà Nội, thẩm quyền quyết định chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước do HĐND, UBND địa phương quyết định”.
Lãnh đạo TP Hà Nội bác bỏ thông tin chi phí cho Đại lễ lên đến 94 ngàn tỷ đồng, chiếm đến 1/10 GDP như tin đồn. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhận định con số này “không có cơ sở hay căn cứ gì cả”. Và “Đại biểu nghe thấy thế thì nói thế, chỉ là cảm tính, không định lượng”. Nhưng con số cụ thể là bao nhiêu thì còn phải đợi…tổng hợp. Đến bao giờ tổng hợp xong thì chưa rõ. Bởi ngay cả câu hỏi đơn giản về vấn đề dự toán ban đầu là bao nhiêu, dù được các nhà báo kiên trì nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng Chủ tịch Hà Nội đã không đưa ra câu trả lời nào. Ông thậm chí còn nhấn mạnh “không bình luận gì khi đang quyết toán”, và đề nghị “đừng hỏi thêm về cái đó nữa”. Các nhà báo sau đó đã viết công khai rằng: Người đứng đầu chính quyền Thủ đô cũng im lặng trước câu hỏi: “Có rất nhiều quà tặng được gửi đến nhân dịp Đại lễ, có món quà nào dành riêng cho Chủ tịch thành phố?”.
Kinh phí chi cho Đại lễ là bao nhiêu có thể ngài Chủ tịch chưa biết, vì còn phải chờ… tổng hợp. Nhưng chuyện “dự toán ban đầu” yếu tố bắt buộc phải có đối với bất cứ khoản chi nào dùng tiền ngân sách chẳng lẽ ông cũng không thể công khai?
Nếu như câu hỏi cụ thể về con số chi phí mà còn khó trả lời thì câu hỏi hiệu quả, nhất là đối với những khoản mục rất khó đánh giá như “Công tác tuyên truyền” thì còn khó biết nhường nào. Và ai, bao giờ sẽ đứng ra kiểm tra, giám sát để xác tín trước nhân dân rằng những khoản chi đó thực sự tiết kiệm, thực sự hiệu quả, thực sự minh bạch?
(Nguồn: tuanddk )