Sunday, October 31, 2010

Phim Cánh đồng bất tận: Có nhất thiết phải che bớt sự thật?



Trong trường hợp này, cái xấu cần phải được đưa ra ánh sáng, cần được xem xét, lên án và được xã hội quan tâm đúng mức... Khi câu chuyện này được kể ra, được đến với công chúng, được dư luận quan tâm thì trên những cánh đồng đẹp bất tận kia sẽ không còn những mảnh đời đau khổ bất tận, mà thay vào đó là tiếng cười hạnh phúc. Đó mới chính là cái cốt lõi của tác phẩm.
"Làm đẹp" một ly, sai đi... một dặm
Dân gian ta có câu "tốt khoe, xấu che", ý nói những việc tốt thì nên được nêu ra, được khen ngợi, còn cái xấu thì nên che lại và quên đi.
Câu nói này mang hai hàm ý.
Thứ nhất là tính tích cực, tức là việc tốt thì nên được nêu lên nhằm nhân rộng và làm gương cho nhiều người noi theo. Việc xấu thì nên giấu kín, không nên nêu ra nhằm tránh đi những gièm pha và tránh sự bắt chước từ xã hội, tạo thành một hiện tượng không tốt. Với hàm ý này, thực chất người xưa đã dạy cho chúng ta, những con người cụ thể, cách ứng xử với xã hội với cộng đồng nhằm làm đẹp hơn bộ mặt xã hội.
Thứ hai là tính chỉ trích, tức là ám chỉ những người hay khoe khoang, thích khen ngợi, chỉ biết khoe cái đẹp, cái hay của mình mà không dám đối mặt với sự thật - cái xấu của bản thân, rộng hơn là cái xấu của xã hội. Cũng từ hàm ý này, người xưa muốn chỉ ra một căn bệnh của cá nhân hay xã hội, đó là căn bệnh hình thức, bệnh thành tích. Đây cũng là ý nghĩa của câu nói "tốt gỗ hơn tốt nước sơn".
Vậy câu "tốt khoe, xấu che" được nhìn nhận và đánh giá như thế nào trong xã hội ngày nay? Chúng ta hãy phân tích một trường hợp cụ thể để nhận ra những mặt tốt và mặt xấu của vấn đề này thông qua một sự kiện được dư luận hiện nay khá quan tâm. Đó là khi bộ phim "Cánh đồng bất tận" được công chiếu.
Bộ phim "Cánh đồng bất tận" dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Dư luận nói chung là đồng tình với những thước phim có sự chuẩn bị công phu, những cảnh quay đẹp và mới lạ. Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến chỉ trích gay gắt, đa số đều cho rằng đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã thay đổi một vài chi tiết, do đó bộ phim đã không lột tả hết những ý chính, những điểm được cho là rất thật, rất Nam Bộ được viết một cách tuyệt vời của Nguyễn Ngọc Tư.
Những thay đổi mang tính chất "làm vừa lòng" các nhà quản lý văn hóa trong bộ phim được nhiều người nhắc đến có thể liệt kê ra là: - Hình ảnh hai cán bộ kiểm dịch (cán bộ xã) mang đi vài con vịt được thay bằng bọn "côn đồ"..
- Đoạn kết của bộ phim được đánh giá là quá vội vã và quá đẹp. Theo tác giả trong bài viết Những người 'bất lực' trên Cánh đồng bất tận thì bộ phim đã biến sự dữ dội của Nguyễn Ngọc Tư thành câu chuyện đèm đẹp tròn trĩnh như hòn bi.
Tiếc thay, một vài chi tiết thay đổi trong bộ phim lại chính là những điểm rất thật, rất riêng đã làm nên tên tuổi Nguyễn Ngọc Tư và tiểu thuyết Cánh đồng bất tận. Bỏ đi một vài chi tiết, cánh đồng trong bộ phim đã không còn là cánh đồng bất tận của những con người Nam Bộ rất đẹp, nhưng đẹp một cách đau đớn, cùng cực, đồng thời những nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư cũng mất đi những nét rất đời.
Ngoài ra, bộ phim không thể hiện hết sự đớn hèn của những mảnh đời đang sống lay lắt, đang sống "bập bềnh" trên những cánh đồng mênh mông, bất tận của sự tối tăm, khốn cùng.
Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã vô tình (hay cố ý) tô hồng câu chuyện vốn rất thật, rất đau thương và che đậy những mặt xấu của đời sống xã hội so với nguyên tác của Nguyễn Ngọc Tư.
Có nhất thiết phải che bớt sự thật?
Trở lại với câu nói "tốt khoe, xấu che". Khi một tác phẩm nghệ thuật ra đời, để định hướng dư luận có nhất thiết phải che bớt những sự thật, những mặt xấu của xã hội và tô vẽ thêm cho những cái đẹp?
Trong tác phẩm văn học hay điện ảnh, yếu tố "thật" là căn cứ, yếu tố hư cấu làm cho tác phẩm dễ đi vào lòng người, góp phần tạo nên tên tuổi của tác giả, tác phẩm. Trong trường hợp này, câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư rất thật. Nó là một tật xấu điển hình của xã hội được mô tả bằng tác phẩm văn học. Tác giả đã kể lại và chia sẻ những nỗi đau mà các nhân vật đã trải qua với những cái xấu cận kề, những cuộc đời đen tối, bất hạnh xảy ra trên những cánh đồng đẹp đến bất tận và đau đớn cũng bất tận.
Những cái xấu diễn ra trên cánh đồng bất tận trong câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư đã kể ra, không phải để chỉ trích xã hội mà nhân văn hơn, tác giả đã nêu ra một sự việc có thật trong xã hội cần được quan tâm, cần được chia sẻ và cảm thông.
Trong cuộc sống thường ngày, cái đẹp cần được khen ngợi và nhân rộng. Tuy nhiên, cái đẹp vốn dĩ nó đã đẹp. Cái đẹp càng đẹp hơn khi trong bản thân nó mang theo sự giản đơn, không cầu kỳ, không cần phải tô vẽ thêm. Cái đẹp vốn có sức sống mãnh liệt, hình ảnh hoa sen "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" đã nói lên sự thật này. Trong khi đó, cái xấu có nhất thiết phải che, phải xóa đi hay không? Câu trả lời là không! Có những cái xấu cần phải che đi, nếu cái xấu đó có ảnh hưởng tới những con người cụ thể. Nếu cái xấu này được nói ra nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, tương lai của con người cụ thể ấy. Khi đó, nói ra cái xấu vô tình ta lại giết chết đi một cuộc đời. Trong nhiều trường hợp, cái xấu cần phải được lên án, cần phải được đưa ra ánh sáng, bởi khi cái xấu bị che giấu, sẽ như những quả bom nổ chậm, nó âm thầm làm mục rỗng và sẽ giết chết những giá trị cao đẹp.
Trong tác phẩm văn học hay điện ảnh, yếu tố "thật" là căn cứ, yếu tố hư cấu làm cho tác phẩm dễ đi vào lòng người, góp phần tạo nên tên tuổi của tác giả, tác phẩm. Trong trường hợp này, câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư rất thật. Nó là một tật xấu điển hình của xã hội được mô tả bằng tác phẩm văn học. Tác giả đã kể lại và chia sẻ những nỗi đau mà các nhân vật đã trải qua với những cái xấu cận kề, những cuộc đời đen tối, bất hạnh xảy ra trên những cánh đồng đẹp đến bất tận và đau đớn cũng bất tận.
Những cái xấu diễn ra trên cánh đồng bất tận trong câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư đã kể ra, không phải để chỉ trích xã hội mà nhân văn hơn, tác giả đã nêu ra một sự việc có thật trong xã hội cần được quan tâm, cần được chia sẻ và cảm thông.
Trong trường hợp này, cái xấu cần phải được đưa ra ánh sáng, cần được xem xét, lên án và được xã hội quan tâm đúng mức. Tác giả mong rằng khi câu chuyện này được kể ra, được đến với công chúng, được dư luận quan tâm thì trên những cánh đồng đẹp bất tận kia sẽ không còn những mảnh đời đau khổ bất tận mà thay vào đó là tiếng cười hạnh phúc. Đó mới chính là cái cốt lõi của tác phẩm.
Tại sao đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình lại cầu toàn tới mức đánh mất đi cái đặc sắc của tác phẩm văn học, trong khi  tác phẩm văn học đã được xuất bản (tức đã qua kiểm duyệt)? Có lẽ câu trả lời nằm ở nhận xét của vị lãnh đạo tỉnh Cà Mau, đó là "nói cái xấu nhiều quá! Và cũng cô đọng quá! Những nhân vật ông già, con cháu, gái làm đĩ..., kể cả cán bộ xã đều là nhân vật xấu". Trong một xã hội, cái xấu và cái tốt luôn hiện hữu, đôi lúc cái xấu lấn át cái tốt, tuy nhiên như một quy luật, như một chân lý, cái tốt rồi sẽ chiến thắng.
Để xã hội nhiều cái tốt mà ít đi cái xấu, hoặc là cái xấu nhanh bị đẩy lùi, cách hay nhất là phải nhận diện được cái xấu, đưa cái xấu ra ánh sáng cho dư luận phê phán. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều người không làm được hay không dám làm. Trong nghệ thuật cũng vậy, vẫn còn một một sợi dây vô hình đang bóp nghẹt tư duy sáng tạo làm biến dạng một số hình ảnh vấn rất thật, rất đời thường.
Chúng ta đều mong có một xã hội tươi đẹp. Ngoài việc khen tặng những tấm gương sáng, những việc tốt thì từng cá nhân nói riêng và toàn xã hội nói chung cũng nên chấp nhận nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận những khuyết điểm của mình và cùng tìm ra hướng giải quyết một cách nhân văn. Đó mới chính là cái đẹp mà mọi người mong đợi.
(Nguồn: tuanvietnam)