Có thể nói không ngoa rằng cái tên “Lê Đức Thông” đã đi vào lịch sử khoa học Việt Nam như là một trường hợp đạo văn khoa học. Hình phạt dành cho người phạm tội đạo văn thường tùy thuộc vào vị trí quyền lực của đương sự. Ở Úc, Mĩ, Âu châu, v.v… có hàng trăm (thậm chí hàng ngàn) vụ đạo văn, nhưng hình phạt rất khác nhau. Đối với thủ phạm có quyền thế (như chính trị gia, giáo sư, người nổi tiếng) thì sự việc có khi đi vào quên lãng, nhưng nếu thủ phạm là sinh viên hay nghiên cứu sinh thì sự nghiệp có khi tiêu tan … Trường hợp Lê Đức Thông cũng na ná như thế, nhưng anh ta xứng đáng được cho một cơ hội mới tốt hơn.
Qua sự cố đạo văn trong bài “
Was the fine-structure constant variable over cosmological time?” của nhóm tác giả Lê Đức Thông, Nguyễn Mộng Giao, Nguyễn Thế Hùng và Trần Văn Hùng trên tập san EPL, công chúng mới biết đến cái tên Lê Đức Thông. Nhưng hình như người ta chỉ xem đó là một thủ phạm đạo văn trong khoa học. Có người như
Trần Hữu Dũng (bên trang
Viet-studies) thậm chí còn nhận xét “
Ông này có thể được gọi là ‘đạo văn chuỗi’ (serial plagiarist!)”. Tại sao chỉ đổ lỗi cho Lê Đức Thông trong khi trên danh nghĩa bài báo có 4 tác giả? Thật là vô lí! Hồi xưa, khi tôi còn công tác tại một trường bên Mĩ, họ có “qui ước” ngầm đại khái rằng khi đội bóng của trường thắng trận thì cần phải tìm ra một ngôi sao để vinh danh, nhưng khi đội bóng bị thua thì tất cả đều phải chịu trách nhiệm, và tuyệt đối không được chỉ tay đổ thừa cho bất cứ cá nhân nào. Trong nhóm tác giả đến 4 người, mà chỉ có Lê Đức Thông chịu mang tiếng xấu, và theo tôi đó là điều bất bình thường và thiếu công bằng.
Thế nhưng, vụ đạo văn của Lê Đức Thông có lẽ là tương đối … nhỏ, nếu so với nhiều vụ tai tiếng khác. Thông chỉ là sinh viên trẻ ham nghiên cứu, thiếu thầy hướng dẫn, và làm việc trong môi trường khoa học chưa chặt chẽ. Còn nhiều vụ đạo văn khác ở nước ta mà thủ phạm là những người với chức danh giáo sư, viết thành sách đem ra dạy sinh viên hẳn hoi. Thật vậy, những vụ đạo văn trong văn học ở VN thì tác giả Nguyễn Hòa có hẳn một danh sách, thậm chí còn viết thành sách! Trong khoa học thì có vẻ “kín đáo” hơn, chỉ mới có
một vụ li kì được nêu trên báo chí vào năm 2007. Mới đây, vụ “
đạo dịch” cũng rình rang có liên quan đến hai giáo sư kinh tế cũng được phanh phui trên mặt báo. Còn biết bao trường hợp khác mà công chúng chẳng bao giờ biết đến (nhưng được lưu truyền khá nhiều trong thế giới mạng), vì đương sự là những người có quyền thế trong xã hội và hệ thống khoa bảng.
Gs Brian Martin (Úc) từng nhận xét rằng hình phạt đạo văn thường tùy thuộc vào quyền thế. Ở Úc, cũng có nhiều trường hợp đạo văn liên quan đến giáo sư, hiệu trưởng đại học, và sinh viên, nhưng khi hình phạt được áp dụng thì sinh viên bị phạt nặng hơn là những người có quyền cao chức trọng. Vụ “
đạo dịch” tuy rình rang trên báo chí, nhưng hình như cũng chẳng có hình phạt nặng nề nào dành cho đương sự. Những vụ đạo văn trong văn học cũng liên quan đến giáo sư, cũng rình rang chẳng kém so với bên khoa học, nhưng thủ phạm vẫn ung dung, thậm chí còn được lên chức! Điều này phù hợp với giả thuyết rằng khi thủ phạm đạo văn có quyền cao chức trọng thì họ chẳng hề hấn gì, nhưng khi thủ phạm là kẻ thấp cổ bé họng thì hậu quả rất thê thảm. Chúng ta có thể thấy qua so sánh vụ Lê Đức Thông và các giáo sư khả kính để thấy giả thuyết này có cơ sở thực tế.
Tôi chẳng biết Lê Đức Thông là ai, mà chỉ tìm hiểu qua báo chí và nhất là bài viết
Thông “khùng” và vũ trụ trên
Tuổi trẻ năm 2004
(sau khi “sự cố” xảy ra). Bài báo có đoạn viết về ý tưởng khoa học của anh ta, và anh chủ động đến gõ cửa các nhà vật lí đàn anh để xin sự dấn thân của Thông “
Ba năm. Thông đã bán chiếc xe Win cà tàng mà gia đình với ba mẹ (đã trên 60 tuổi còn nuôi 4/8 đứa con ăn học) gom góp mua cho. Thông bán luôn chiếc điện thoại di động đã tích cóp mua được. Tất cả dành cho chi phí nghiên cứu”. Tôi nghĩ một sinh viên trẻ tuổi có ý tưởng táo bạo, dám dấn thân như trên thì thật đáng khen. Nhiều ý tưởng không phù hợp với quan điểm “chính thống” thoạt đầu đều bị đánh giá là điên rồ, là khùng, nhưng tôi nghĩ là người có bản lĩnh thì chỉ cần xem đó là những nhận xét hài hước cho vui. Việc mình, mình làm, minh tin tưởng, thì mình theo đuổi, chứ nếu cứ chiều theo mọi người hay để ý đến dư luận nhiều chiều thì làm sao mà khá được. Do đó, tôi đánh giá cao nhiệt tình của anh Thông. Rất hiếm thấy những dạng sinh viên tràn trề lí tưởng như thế trong thời đại có quá quá nhiều thanh niên chạy theo vật chất và “xôi thịt” hiện nay.
Gs Nguyễn Mộng Giao (Viện Khoa học và công nghệ VN) nhận xét về thông như sau:
“Những công trình của Thông thể hiện khát vọng muốn nghiên cứu và tìm tòi. Nhưng do không có thầy hướng dẫn và không có tài liệu tham khảo cần thiết nên các công trình còn nhiều sai sót. Nhưng sai lầm và thất bại là chuyện bình thường trong khoa học. Cần khuyến khích những thanh niên có khát vọng sáng tạo và hơn thế nữa cần hướng dẫn họ đi vào khoa học. Cần tạo ra một cơ chế để những người có khát vọng và hoài bão được khuyến khích giúp đỡ, để họ bớt khó khăn trong tìm tòi sáng tạo.” Qua những nhận xét này thì rõ ràng là anh Thông chưa có thầy hướng dẫn tốt. Vì thế, anh phải tự mình bươn chải và mài mò nghiên cứu. Tôi đoán rằng khả năng tiếng Anh của anh Thông cũng rất hạn chế. Chỉ cần đọc qua những gì anh viết, dù là đã công bố trên tập san quốc tế và chắc chắn đã qua biên tập, nhưng có thể thấy nhiều câu văn chưa chuẩn hay trôi chảy mấy. Ấy thế mà anh ta vẫn có công trình trên các tập san quốc tế!
Năm nay, Thông mới 28 tuổi (sinh năm 1982), một tuổi tràn trề sức sáng tạo. Anh tốt nghiệp trường Đại học Giao thông Vận tải, tham gia cộng tác nghiên cứu với Viện Vật lí phía Nam từ năm 2004, đến năm 2008 thì vào biên chế. Năm 2010 anh xin nghỉ việc sau sự cố đạo văn. Trong trang web của trường
Cao đẳng Giao thông Vận tải có liệt kê Lê Đức Thông như là một giảng viên. Hình như Thông chưa có bằng tiến sĩ, mà chỉ là một cử nhân. Nói tóm lại, sự nghiệp của anh chỉ vỏn vẹn 6 năm. Trong vòng 6 năm đó, Thông đã công bố ít nhất là 3 bài báo khoa học trên các tập san vật lí thuộc loại trung bình (đánh giá theo hệ số impact factor). Tất cả những bài này đều kí tên “Ho Chi Minh City Institute of Physics”. Những bài đó là:
LD Thong, TV Hung, NTT Huong, HH Bang. Search for time variation of the fine-structure constant using [O
III] emission lines Astrophysics and Space Science DOI: 10.1007/s10509-010-0431-x
LD Thong, TV Hung, NTT Huong, HH Bang. Constraining the cosmological time variation of the fine structure constant. Published in Astrofiz.53:493-500,2010.
Thong, L.D., Giao, N.M., Hung, T.V., Hung, N.T. Was the fine-structure constant variable over cosmological time? Eur. Phys. Lett.
87, 69002 (2009)
Tạm thời bỏ qua vấn đề chất lượng và đạo văn, tuy số bài báo còn khiêm tốn, nhưng một người mới có bằng cử nhân mà đã làm được như thế thì còn hơn hẳn nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ.
Nay thì chúng ta biết rằng có ít nhất là một bài báo trong số đó đạo văn và đã bị rút xuống. Không loại trừ 2 bài báo kia cũng là đạo văn. Đạo văn là một trọng tội và đáng bị trừng phạt. Nhưng còn phần kết quả nghiên cứu thì sao? Nếu kết quả nghiên cứu mà cũng đạo thì quả là quá tệ hại. Không thấy ban biên tập tập san nói gì về kết quả nghiên cứu, nên có thể anh ta và nhóm nghiên cứu thật sự có làm nghiên cứu và có kết quả original. Nếu thế thì đạo văn có lẽ là do anh Thông không rành tiếng Anh, nên cứ sao chép từ những câu văn của các tác giả khác. Những sao chép này trong giới sinh viên Á châu cực kì phổ biến, chỉ vì đơn giản một điều là họ không biết đến qui ước về đạo đức khoa học và cũng chẳng hiểu đạo văn là gì. Thật vậy, ngay cả một đồng tác giả của bài báo bị rút xuống cũng chẳng hiểu đạo văn là gì khi anh ta phát biểu rằng “
Thực ra nói là đạo văn cũng hơi quá bởi trong bài viết có một phần khi trích dẫn Thông đã không nêu rõ nguồn tài liệu tham khảo”!
Tôi không có khả năng chuyên môn để đánh giá chất lượng những công trình đó của Thông, nhưng tôi dám chắc rằng rất rất hiếm có một cử nhân nào ở Úc hay Mĩ dám dấn thân và kiên trì như Thông. Chỉ rất tiếc một điều những bài báo đó phạm tội đạo văn, và chỉ với lỗi lầm đó cũng đủ làm lu mờ những kết quả nghiên cứu của anh ta.
Sự việc đạo văn lộ ra vài thông tin thú vị nhưng đáng quan ngại. Thứ nhất là chúng ta biết rằng ít nhất là một bài báo tuy có 4 tác giả, nhưng có tác giả chẳng có đóng góp một chữ nào hay một số liệu nào trong đó. Ấy thế mà tác giả này vô tư nhận làm “tác giả”. Đó là một vi phạm đạo đức khoa học. Thứ hai là khi sự cố đạo văn chưa được phát hiện thì chẳng có tác giả nào phàn nàn, thậm chí có tác giả còn được biểu dương vì có tên trong một công trình nghiên cứu (vừa bị rút xuống), nhưng khi có vấn đề thì ai cũng “chạy dài” và đổ thừa của một mình cá nhân Lê Đức Thông! Đó là thái độ đáng trách và thiếu quang minh chính đại. Đã kí tên tác giả thì phải chịu trách nhiệm, chứ sao lại đổ lỗi cho một anh cử nhân đang tập tểnh làm nghiên cứu khoa học.
Tôi nghĩ anh Lê Đức Thông là một người ham học, thông minh, và có lí tưởng khoa học. Anh ta từng là học sinh giỏi về vật lí. Anh ta từng chủ động gõ cửa các bậc đàn anh để thuyết minh ý tưởng của mình. Gọi anh ta là “khùng” chỉ là một cách nói “rất Việt Nam” (tức không thích ý tưởng người ta thì quay sang dè bĩu người ta), rất phản khoa học (vì khoa học thì phải cởi mở với ý tưởng mới có căn cứ). Biết bao nhiêu học sinh và sinh viên kém hơn anh Thông khi ra nước ngoài trở nên thành công vượt bực. Tôi biết có một người từng chăn trâu khi còn ở Việt Nam, nhưng khi sang Mĩ anh nay đã trở thành một tiến sĩ làm nghiên cứu trong NASA. Tại sao cũng con người Việt Nam đó, cũng gen Việt Nam đó, văn hóa Việt Nam đó, khi ở trong nước thì không thể nào “khá” nổi, mà khi ra ngoài Việt Nam thì trở thành công vượt bực. Chỉ có thể giải thích sự khác biệt bằng yếu tố môi trường. Tôi nghĩ lí do mà các bạn sinh viên VN thành công ở nước ngoài là do văn hóa khoa học, môi trường khoa học ở các nước tiên tiến tốt hơn môi trường ở Việt Nam. Môi trường ở đây bao gồm thầy cô giỏi, cơ sở vật chất tốt, và văn hóa khoa học. Tôi vẫn nghĩ nếu anh Lê Đức Thông có cơ hội theo học ở một nước như Mĩ, xác suất anh trở thành một nhà vật lí có tên tuổi chắc chắn phải rất cao.
Bất cứ ai cũng từng có vấp ngã trong đời, và người ta có thể đứng lên từ vấp ngã. Lê Đức Thông đã vấp ngã và đang phải trả giá cho sự vấp ngã đó. Anh đáng bị trừng phạt (và đồng tác giả của anh cũng phải chịu hình thức trừng phạt). Nhưng khác với những người khác, anh là người có tiềm năng tri thức và thành công. Không có lí do gì xã hội và khoa học Việt Nam lấy sự lầm lỗi đó để kết liễu con đường khoa học của một thanh niên mới 28 tuổi đời, tương lai còn dài, và sức sáng tạo đang ở đỉnh cao. Do đó, tôi nghĩ xã hội và nền khoa học Việt Nam nên cho Lê Đức Thông một cơ hội và môi trường khác tốt hơn để anh ta có dịp chuộc lại lầm lỗi của mình bằng những đóng góp mới cho khoa học nước nhà.
(Nguồn: nguyenvantuan.net)