Friday, January 28, 2011

Ăn uống ở Việt Nam và xu hướng ngọt hóa


http://phovietnam.info/wp-content/uploads/2010/07/file_uploadhanhdttpho-bo-tai-chin3429.jpgHôm nay, tiếp tục loạt bài "ghi chép cuối năm", tôi ghi lại đây vài cảm nhận về xu hướng ăn uống ở Việt Nam. Tôi sẽ tập trung nói về xu hướng ngọt hóa và tầm thường hóa món ăn Việt Nam.
 Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn, có rất nhiều quán ăn ngon, và con số này càng ngày càng nhiều. Đủ loại nhà hàng phục vụ các món ăn Bắc, Trung, Nam, Âu, Á, Latin, thậm chí cả món ăn Trung Đông. Đi quanh Sài Gòn chúng ta thấy nhà hàng và quán ăn nhiều hơn rạp hát hay rạp chiếu bóng, và chắc chắn nhiều hơn các tụ điểm bán sách báo, băng nhạc, và tranh ảnh gộp lại. Đành rằng "có thực mới vực được đạo", nhưng sự có mặt có quá nhiều quán ăn có thể diễn giải rằng dân ta ... ham ăn. Tôi thì muốn nhìn hiện tượng một cách tích cực hơn: sự hiện diện của nhiều quán ăn là một dấu hiệu cho thấy món ăn Việt Nam ngon. Phải ngon thì nhà hàng và quán ăn mới hấp dẫn được thực khách và tồn tại như thế. Vậy thì sao không quảng bá Sài Gòn như là "kitchen of the world" (nhà bếp của thế giới) như có chuyên gia Mĩ từng đề nghị?
Nói ra thì có vẻ “mèo khen mèo dài đuôi”, nhưng một cách công bằng và nghiêm chỉnh, tôi nghĩ có thể nói rằng: món ăn Việt Nam ngon.  Cũng có thể nói là “rất ngon”.  Phở, một món ăn “quốc hồn, quốc túy”, được khắp thế giới đánh giá rất cao.  Ngay cả những món như bánh xèo, chả giò, bì cuốn, hay ngay cả những món dân dã hơn như cá kho và canh chua cũng là những món ăn chẳng những ngon miệng và còn giàu dinh dưỡng.  Bởi vậy không ngạc nhiên chút nào khi người ngoại quốc đến Việt Nam lần đầu đều nhất trí nhận xét rằng món ăn Việt Nam là ngon.  Một anh đồng nghiệp người Úc của tôi, là một giáo sư về nội tiết học, sang Việt Nam giảng lần đầu, tôi hỏi anh thấy Việt Nam ra sao, thay vì trả lời câu hỏi tôi, anh nhiệt tình nói “món ăn tuyệt vời”.  Anh còn nói thêm trong cuộc đời đi khắp thế giới, chưa bao giờ anh thấy món ăn Việt Nam ngon như thế, và không ngần ngại nói rằng “ngon nhất thế giới”!  Tôi thì không dám nói như thế, nhưng có lí do để nói rằng những món ăn Việt Nam là một trong những món ăn ngon nhất thế giới.
http://kitchentoworld.com/wp-content/uploads/2009/10/banh_xeo-300x224.jpg
Bánh xèo: tôi không thấy nơi nào trên thế giới có món ngon này!
Cái ngon của ẩm thực Việt Nam không chỉ ngon miệng, mà còn ở tính cách văn hóa.  Giáo sư Trần Văn Khê có nhiều nhận xét tinh tế về văn hóa ẩm thực Việt Nam, trong đó ông cho rằng các món ăn Việt Nam có một sự cân đối âm dương.  Theo cách hiểu này, những món mặn là thuộc tính dương, còn ngọt và chua thuộc tính âm.  Do đó, người Việt chúng ta pha chế nước mắm với đường và chanh, hay dưa cải phải nhận trong khạp mắm thì mới quân bình âm dương.  Có lẽ chính vì sự cân bằng âm dương mà món ăn Việt Nam có một sức hấp dẫn rất cao, đến nổi có quán tự tin đặ tên quán là “Ăn là ghiền”.  Tôi biết có người Việt sống xa quê khi về Việt Nam, việc đầu tiên ngay sau khi xuống máy bay là đi ngay đến một quán ăn để … ăn cho đã.
http://upload.sao.vn/123/huyen/1209/29/nuocmam1-tapchiamthuc.vn.jpg
Nước mắm ớt: cân bằng âm dương
Món ăn Việt Nam không chỉ ngon miệng, có văn hóa, mà còn có tính toàn diện.  Toàn diện ở đây hiểu theo nghĩa món ăn được thưởng thức bằng thị giác, khứu giác, thính giác, xúc giác, và vị giác.  Chẳng hạn như nhìn món bánh xèo màu vàng rụm, được “trang trí” với rau xanh, bên cạnh chén nước chấm màu đỏ có chút ớt, cải trắng, cải cà-rốt được xắt nhỏ, chúng ta cảm thấy đẹp mắt.  Cắn một miếng bánh xèo nghe rôm rốp, cộng với mùi rau chát, thơm, cay, và nước chấm âm-dương, tất cả hòa huyện nhau tạo nên một món ăn tuyệt vời, một kinh nghiệm ẩm thực rất đáng nhớ đời mà không nơi nào trên thế giới có được.
Xu hướng “ngọt hóa”
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây tôi thấy có hai xu hướng đáng đáng tiếc đang xảy ra trong ẩm thực Việt Nam: đó là xu hướng ngọt hóa nhiều món ăn, và xu hướng tầm thường hóa món ăn Việt Nam trong các quán ăn.
Chưa bao giờ tôi chứng kiến tình trạng “ngọt hóa” các món ăn ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Nam, như hiện nay.  Nấu canh chua, người ta có xu hướng pha chế để nước súp ngọt.  Cá kho tộ, bản chất là một món ăn mặn và cay, mà cũng bị làm cho ngọt.  Mắm thái là món “favorite” của tôi ngày nào, nhưng bây giờ về Việt Nam thì không dám ăn nữa vì nó quá ngọt.  Món mắm tép ngày nào có vị chua và mặn nay trở thành quá ngọt.  Lẩu mắm cũng ngọt.  Khô cá thiều cũng trở thành món khô ngọt.  Món nước mắm ớt chua mặn có khi trở thành … nước đường.  Tôi nói không ngoa đâu.  Chưa một nhà hàng nào chế biến món nước mắm hợp khẩu vị của tôi.  Tất cả những dĩa nước mắm phục vụ cho các món như cơm tấm và gỏi đều quá ngọt, có khi ngọt cứ như là đường và tôi phải trả lại cho quán.  Rất nhiều lần vào một số nhà hàng, tôi phải yêu cầu chế biến lại hay gọi một món khác vì món ăn quá ngọt.

http://files.myopera.com/mietvuon/blog/DUAMAMCAY.jpg
Món dưa mắm: coi chừng ... ngọt!
Ngay cả món dưa mắm, một trong những món ăn tôi rất thích, cũng bị “ngọt hóa”.  Để chế biến món này, vỏ dưa hấu, dưa leo, đu đủ được nhận trong một cái khạp mắm khoảng vài tuần, sau đó lấy ra trộn với chanh, ớt, và tỏi. Đó là món ăn không thể nào vắng mặt trong bữa ăn của người miền Tây.  Hay như món dưa điên điển cũng rất tuyệt vời, nhưng món này thì tùy thuộc theo mùa điên điển (mùa nước nổi).  Nhưng tôi đã nhiều lần thất vọng với những món ăn này trong các quán ăn vì cái ngọt giết chết món ăn dân dã vốn cân đối âm dương (có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt).  Hơn 10 năm qua, chưa một lần tôi hài lòng với những món ăn này ở các quán trên khắp các tỉnh thành miền Tây và Sài Gòn.  Tôi thất vọng đến nổi phải cảnh giác.  Hầu hết khi kêu những món này, tôi ra điều kiện rằng nếu ngọt quá, tôi trả lại.
Nhiều người miền Bắc nhận xét rằng người miền Nam thích ăn ngọt.  Nhưng tôi có thể khẳng định rằng trước 1975 và sau 1975 vài năm, người miền Nam không có xu hướng ăn ngọt như hiện nay.  Ăn ngọt dĩ nhiên là thiếu lành mạnh.  Tuy rằng sự liên đới giữa hàm lượng đường từ thức ăn và nguy cơ tiểu đường không nhất quán mấy, nhưng ở Việt Nam rất có thể chính vì xu hướng ngọt hóa này làm cho gần 10% dân số bị bệnh tiểu đường chăng?  Đó là chưa kể hệ quả các bệnh tim mạch.  Thật ra, ăn nhiều đường cũng có thể làm giảm tuổi thọ.  Tôi nhớ cách đây không lâu, có một nghiên cứu chỉ ra rằng người ăn nhiều đường có nguy cơ tử vong cao hơn và chết sớm hơn so với người ăn ít đường.
Rất khó giải thích tại sao người miền Nam có xu hướng ăn ngọt, nhưng tôi chợt nghĩ đến giả thuyết “thrifty genotype”.  Rất có thể trong thời bao cấp, người miền Nam quá thiếu thốn về mặt dinh dưỡng, nhất là đường và mỡ, vì thời đó những thực phẩm này có khi được xem là xa xỉ.  Đến khi mở cửa, kinh tế khá lên, người ta phải ra sức tích lũy những thứ “xa xỉ” đó để thỏa mãn nhu cầu, và có lẽ cũng để phòng ngừa cho những bất trắc trong tương lai.  Chỉ là một suy nghĩ vẩn vơ …
Cái muỗng
Một xu hướng khác rất đáng quan tâm là “tầm thường hóa” món ăn.  Điều tôi phàn nàn nhiều nhất, bực mình nhất là vấn đề cái muỗng.  Muỗng không phải là cái gì quá mới trong văn hóa ẩm thực Việt Nam.  Theo tôi biết, một vài cái muỗng đẹp, được chạm trổ cầu kì với hoa văn tinh tế đã được tìm thấy trong các di chỉ văn hóa Đông Sơn.  Điều này chứng tỏ từ thưở xa xưa, cha ông chúng ta đã biết dùng muỗng cho các bữa ăn.  Do đó, có thể nói muỗng là một dụng cụ ăn uống cổ truyền.  Nhìn muỗng Đông Sơn thấy lòng muỗng sâu hơn muỗng theo mô hình Trung Quốc ngày nay.
photo
Muỗng Đông Sơn

Muỗng có chức năng dùng làm công cụ nêm nếm khi nấu ăn (như để đo lường và trộn thức ăn).  Nhưng trong văn hóa Á Đông, muỗng còn được sử dụng để ăn cơm và những món ăn nhẹ như kem, cơm, trứng.  Cũng có khi muỗng được sử dụng cho súp, nhưng phải là muỗng có dung lượng thích hợp.
http://lh3.ggpht.com/_5qPjaVdMU8A/TTex9RxOqnI/AAAAAAAAGQo/SbpkZidIGSw/s720/Eetrite1.jpg
Quán ăn bày biện muỗng như thế này (thật ra tồi hơn những muỗng này) để ... ăn phở!
Điều đáng buồn ngày nay là các quán ăn Việt Nam dùng muỗng một cách tùy tiện và có thể nói là vô văn hóa.  Vào các quán ăn ở Việt Nam, chúng ta dễ dàng thấy cái muỗng làm bằng nhôm hay inox rất mỏng (loại rẻ tiền) và quan trọng hơn là rất … cạn.  Có loại muỗng cạn đến nổi chỉ như một tấm tole bằng phẳng.  Ấy thế mà người ta dọn cái muỗng như thế cho thực khách để ăn phở, hủ tíu, bún bò huế, thậm chí để húp súp.  Chỉ cần múc một muỗng nước, nếu may mắn lắm giữ cho muỗng thăng bằng thì thực khách chắc có được vài mil nước súp!  Còn nếu múc nhanh thì chẳng có nước súp nào để thưởng thức.  Ấy thế mà nhà hàng nào, quán ăn nào cũng có những cái muỗng như thế.  Tôi thật sự không hiểu trong đầu những người chủ quán hay người sản xuất ra những cái muỗng đó để làm gì.  Nếu để làm cảnh thì khỏi phải bàn, nhưng nếu để ăn uống thì chắc đó là một trò đùa vô văn hóa nhất, vô duyên nhất, và … dã man nhất mà tôi từng biết.

Giấy đi cầu tiêu trên bàn ăn
Một trong những nỗi khổ của thực khách khi vào các quán ăn và nhà hàng ở Việt Nam là không có khăn giấy.  Ở những quán ăn, người ta không có giấy serviette cho thực khách lau miệng.  Thay vào đó, quán ăn bày biện trên mỗi bàn một cuốn giấy toilet (dùng đi cầu tiêu) để thực khách sử dụng!  Thử tưởng tượng bạn kêu một món ăn như phở hay hủ tíu, hay món cơm tấm, mà trước mặt là một cuộn giấy đi cầu tiêu!  Ôi, tục tĩu làm sao!  Có nơi người ta cắt những tờ báo nhật trình thành những tấm giấy vuông khoảng 3x3 cm để cho khách … lau miệng, trông cực kì phản cảm. Ấy vậy mà thực khách vẫn dùng và không hề có phàn nàn gì. Và, cái “văn hóa” dùng giấy đi cầu để lau miệng này rất phổ biến từ Bắc chí Nam.  Nhiều khi tôi tự hỏi chẳng lẽ người Việt mình kì cục như thế.  Khách nước ngoài sẽ nghĩ gì khi thấy cái cảnh tượng như thế?
http://ttnn.com.vn/ImageHandler.ashx?f=~/App_Data/News/Images/1235869374.img.jpg&w=450&h=305&c=%23FFFFFF
Những cuộn giấy đi cầu như thế dùng để ... lau miệng trong quán ăn!
Ngay cả ở những nhà hàng sang trọng, người ta cũng rất tiết kiệm giấy serviette.  Tiếp viên chỉ dọn bữa ăn kèm theo một tờ giấy duy nhất (thường là loại rẻ tiền, có thể mua từ Trung Quốc) cho mỗi thực khách.  Cố nhiên, chẳng ai dám đụng vào những cái khăn ướt bằng vải vì không ai có thể đoán người ta đã dùng những hóa chất gì trong đó và bao nhiêu vi khuẩn đang trực chờ khách.  Nói đến đây tôi chợt nhớ rằng nhiều khách sạn 4 sao ở Sài Gòn (nhất là khách sạn do Nhà nước quản lí) cũng không có một hộp giấy serviette cho khách sử dụng.  Xin lặp lại: khách sạn 4 sao mà không có giấy servitte cho khách.  Tôi chẳng hiểu tiêu chuẩn 4 sao gì mà lạ lùng thế!
Ăn cơm tấm không có dao
Một đặc điểm “văn hóa” ăn uống ngày nay ở Việt Nam rất đáng chú ý là: ăn cơm tấm không có dao.  Tôi đã từng đi qua nhiều tỉnh thành, từ quán bình dân đến nhà hàng sang trọng (cố nhiên là chưa đi hết), và “khám phá” ra không một nhà hàng và quán ăn nào cung cấp cái dao cho thực khách ăn cơm tấm cả.  Không có.  Người ta dọn ra một dĩa cơm tấm nhỏ (chắc chỉ bằng 1/5 dĩa cơm tấm bên Little Saigon), bên cạnh đó chỉ có hai lát dưa chua (nhưng rất ngọt như đường phèn, thường tôi phải gạt bỏ đi), hai lát dưa leo khô khốc, một miếng sườn nướng, một cái nỉa, một cái muỗng mỏng tanh, và một đôi đũa.   Không có dao.  Ngay cả quán TK (khá nổi tiếng) cũng như thế: không có dao cho khách ăn cơm tấm.  Quán “Cơm tấm Cali” rất uy tín và sạch sẽ, chẳng hiểu sao cũng bắt chước theo “truyền thống không dao”.  Phải mở ngoặc để nói thêm rằng quán này (Cơm tấm Cali) cũng có xu hướng ngọt hóa món nước chấm, nước mắm mà ngọt cứ như là đường đông đặc.  Không hiểu cái “phong tục” này bắt đầu từ lúc nào, nhưng tôi biết rằng trước 1975 không có phong tục này.
http://www.dinhduong.com.vn/files/u22/com-tam-suon-bi-trung.jpg
Một dĩa cơm tấm như thế này mà không có dao!
Cứ mỗi lần như thế tôi phải hỏi người tiếp viên vậy làm sao ăn sườn nướng, thì họ thường chỉ vào cái … nỉa.  Hình như tiếp viên chưa bao giờ được huấn luyện cách ăn nói với khách, hay cách ăn uống và sử dụng công cụ ăn uống sao cho thích hợp.  Có lần vào quán TK, tôi hỏi xin một cái dao, tiếp viên thản nhiên nói … không có.  Tất nhiên là em này nói dóc.  Nói dóc một cách trắng trợn và không biết ngượng.  Tôi đành phải để lại bữa cơm, trả tiền sòng phẳng, và bình thản bỏ đi trong cái nhìn ngạc nhiên của mọi người chung quanh. Dĩ nhiên, xác suất tôi quay lại quán này lần thứ 2 trong đời có lẽ bằng 0!
Vấn đề
Tôi vẫn tự hỏi tại sao một đất nước có văn hóa ẩm thực như Việt Nam ngày nay lại có thể duy trì những cách phục vụ ăn uống tùy tiện như mô tả trên.  Trước hết, nó thể hiện sự thiếu tinh tế trong cách trình bày món ăn.  Cái ngon là một khía cạnh quan trọng, nhưng hình thức trình bày cũng không kém phần quan trọng, bởi vì nó có thể làm tăng giá trị của món ăn. Tôi đã từng vào một nhà hàng Thái, món salad bắp chuối của họ được trình bày với rau xanh cực kì bắt mắt và nước chấm (nhưng “nội dung” chính chỉ là phân nửa cái bắp chuối) mà họ tính giá 15 đôla Mĩ.  Nói như thế để thấy cái “added value” của món ăn có khi còn quan trọng hơn cả cái ngon của món ăn.
Sự thiếu tế nhị trong việc không cung cấp dao hay dùng giấy đi cầu làm giấy lau miệng chỉ có thể nói là vô văn hóa.  Và, tính vô văn hóa đó khó có thể biện minh được.  Có thể nó thể hiện cái văn hóa tiểu nông mà nhiều người nhắc đến (tức là làm qua loa, làm cho có, tủn mủn), nhưng tôi lại nghĩ nó thể hiện sự lười biếng trong suy nghĩ.  Người ta không chịu đầu tư thì giờ để suy nghĩ về sự tinh tế trong cách trình bày món ăn.
Tôi có cảm giác rằng một số món ăn truyền thống đang bị biến tướng thành những món ăn quá ngọt, mất cân đối âm dương, thiếu lành mạnh, và có hại cho sức khỏe.
Món ăn Việt Nam rất ngon và xứng đáng có một chỗ đứng trang trọng trong ẩm thực thế giới.  Để có chỗ đứng đó, món ăn Việt Nam cần được bày trí một cách đẹp mắt, hài hòa. Không cần bày trí một cách cầu kì, phức tạp; cần đơn giản nhưng phải lịch sự và tinh tế.  Ngoài ra, cần phải đảm bảo mỗi công cụ ăn uống (thực cụ) phải thích hợp với từng món ăn.

Theo: http://nguyenvantuan.net

Nghĩ trước thềm xuân

LÊ MAI

Năm 2011, tính theo lịch ta, khởi đầu bằng một ngày khá đặc biệt – ngày Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất hai tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam trên đất Hương Cảng. Sự trùng hợp ngẫu nhiên này có thể là một sự trùng hợp lịch sử, song nó còn là thông điệp gửi đến cho tương lai, ĐCS sẽ tiếp tục lãnh đạo dân tộc này, đất nước này như thế nào hầu đưa đất nước vươn lên, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước của người sáng lập?

Câu hỏi không dễ trả lời – dẫu một kỳ ĐH của ĐCS vừa kết thúc. Hiển nhiên, ánh sáng của các chính sách sẽ chiếu rọi khắp nơi trên cả nước. Song giờ đây, khi mùa xuân sắp về, nhìn ra ngoài khung cửa, chỉ thấy mênh mông mờ mịt một màu xám ngắt, cộng với cái lạnh tê tái từ phía Bắc, vượt qua đèo Hải Vân cao vút lỗ châu mai tràn vào. Bầu trời thành phố vẫn đầy mây mù, chưa thấy tín hiệu nắng lên. Năm nay, hình như thiếu đi cái vẻ tất bật, rộn ràng của những ngày giáp Tết? Người đi lại trên đường phố hình như thưa vắng hơn? Chợ búa hình như ít người hơn? Mua bán hình như ít tấp nập hơn? “Siêu lạm phát B52 rải thảm trên toàn bờ cõi. Sông dài cá lội biệt tăm. Anh hùng kẻ gian đánh tráo lộn sòng”? Cái không mấy thay đổi, có lẽ là những câu khẩu hiệu mừng đảng, mừng xuân giăng khắp phố phường?

Nói đến đảng, nhất là ĐCS, luôn luôn phải thận trọng, suy nghĩ thấu đáo, nhất thiết không thể tuỳ tiện. Tôi không dám lạm bàn. Thế là tôi nhớ đến một bài viết của Trần Bạch Đằng – nhà cách mạng lão thành, nhà nghiên cứu uyên bác về “nỗi thèm khát nóng bỏng”. Ông muốn nói thèm khát cái gì?

Ấy là những năm kháng chiến chống Pháp, ở Nam Bộ, các ông Lê Duẩn, Phạm Hùng, Hà Huy Giáp, Ung Văn Khiêm, Trần Bạch Đằng…luôn được các ba, các má, các chị thương yêu, đùm bọc, chở che. Nhiều khi, họ gọi các nhân vật lẫy lừng ấy bằng “thằng” – một cách gọi thân mật, thân thiết rất Nam Bộ.

Hãy đọc hai câu thơ của Trần Bạch Đằng viết về Lê Duẩn:

Má gọi bằng thằng và cười ấm áp

Anh bồi hồi như mọi tầm cao

Hai câu thơ nói lên lòng tin cậy, sự mến thương, bình đẳng của người dân đối với Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ lúc bấy giờ và cũng nói lên cảm xúc sâu lắng của Bí thư Xứ ủy. Nhà thơ phải rất cao tay và rất hiểu “nhân vật” mới có thể viết được như vậy. Trong trường hợp này, được người dân kêu bằng “thằng” – như Lê Duẩn, thật không dễ dàng. Và dĩ nhiên, đó là một niềm vui, một phần thưởng từ người dân.

Đáng mừng là lúc bấy giờ có nhiều người thuộc “đẳng cấp thằng”: Thằng Ba Duẩn, thằng Ba Khiêm (Ung Văn Khiêm), thằng Tám Hà (Hà Huy Giáp), thằng Hai Hùng (Phạm Hùng)…

Vẫn lời Trần Bạch Đằng:

“…khi cùng bơi xuồng với anh Ba Duẩn, ghé xin nước uống một nhà trên bờ kênh.

- Tao biết mầy là thằng Ba Duẩn – chủ nhà trao gáo nước mưa cho anh Ba và bảo:

- Mầy là chỉ huy cao hơn hết ở xứ Nam này, ai cũng phục, vậy tại sao mầy để thằng con của hương hào Lẹ làm chủ tịch xã?

….

- Tôi sẽ giải quyết vụ này! – Anh Ba tự xem có lỗi, đã hứa, phải qua phiên dịch của tôi vì giọng Quảng Trị của anh rất khó nghe. Chủ nhà cười rạng rỡ:

- Tao biết tụi bây quang minh chánh đại mà!”

Cuộc đối thoại thật thú vị. Một người dân “tao, mầy, thằng” với Bí thư xứ uỷ Nam Bộ và ông Bí thư lập tức giải quyết thắc mắc của người dân. Không gì có thể nói nhiều hơn chi tiết ấy.

Câu chuyện trên gợi cho chúng ta trả lời câu hỏi, phải chăng nỗi thèm khát nóng bỏng của Trần Bạch Đằng là giá mà bây giờ đảng viên được người dân gọi bằng “thằng” với tất cả sự tin yêu, quý mến? Thế nhưng, đáng buồn là hiện thực rất phũ phàng, người dân hiện nay cũng gọi không ít cán bộ, đảng viên bằng “thằng” song không phải là “thằng” theo nghĩa Nam Bộ…

Lại có một cách gọi khác cũng không kém phần độc đáo của Mười Trí (Huỳnh Văn Trí), một nhân sỹ miền Nam, từng là một nhân vật khét tiếng trong giới giang hồ (Bình Xuyên), đã đi theo kháng chiến vì dân tộc. Sau khi Bảy Viễn về thành, Mười Trí viết thư cho Hồ Chí Minh, gửi qua Phạm Hùng. Đó chính là “Bức tâm thư kính gửi anh Hồ Chí Minh” độc đáo của Mười Trí. Trong thư, Mười Trí gọi Hồ Chí Minh là “anh” và xưng là “thằng em của anh”: “thằng em của anh là Mười Trí gửi thư này chúc anh mạnh khỏe…thằng em của anh xin hứa chắc với anh là thằng em của anh sẽ tiếp tục kháng chiến cho tới thắng lợi cuối cùng”.

Các nhân vật trong đoàn Phạm Hùng toát mồ hôi khi đọc thư Mười Trí, vì nó có vẻ “giang hồ” quá. Nhưng sau khi phân tích kỹ, cả đoàn đều đồng ý chuyển thư này lên Hồ Chí Minh. Vì đây chính là khẩu khí, phong cách, tâm hồn của một người từng trong giới giang hồ theo kháng chiến. Họ phải rất quý, rất phục ai đó, họ mới xưng hô như vậy. Đó cũng là một nét độc đáo của văn hóa VN, con người VN.

Hai câu chuyện đều nói lên mối quan hệ giữa người dân và lãnh đạo. Khi người lãnh đạo hiểu dân, thực sự vì dân, người dân sẽ quý họ, không một “lý luận” nào có thể thay thế điều đó – “lý luận giáo điều” càng không thể!

Bây giờ, chúng ta trở về với hoa trái mùa xuân. Những chậu quất bày đầy dọc phố, trái vàng rực nằm lẫn trong lá xanh, mùa xuân về rồi đấy nhỉ. Hoa tầm xuân xanh biếc, hoa cúc vàng rực, hoa lay ơn đỏ, hoa lan lá xanh với bông trắng…Có lẽ cái lạnh năm nay làm cho hoa mai – loài hoa đặc trưng của Tết miền Nam, nở muộn…

Đất trời đang sang xuân. Dù hoa nở muộn, mùa xuân vẫn cứ về, cũng như đất nước này, dân tộc này vạn đại tươi xanh.

(Lê Mai’s blog)

Saturday, January 22, 2011

Phúc - Lộc - Thọ, các cụ là ai ?

DƯƠNG DUY NGỮ

Theo truyền thuyết của người Hoa Hạ, ông Lộc là một quan tham chuyên ăn của đút lót. Ông Thọ lại là vị quan thực dụng, ưa xu nịnh vua để được ban thưởng, trong dinh của ông cung nữ nhiều chẳng kém ở cung vua. Chỉ có ông Phúc là quan thanh liêm, ngay thẳng, con cháu đề huề.

Hiện nay, từ thành thị đến nông thôn, ở đâu ta cũng gặp các cụ Phúc, Lộc, Thọ. Các cụ thường được đặt ở nơi trang trọng nhất trong phòng khách, trên nóc tủ chè, có nhà còn làm cả bàn thờ rõ đẹp để thờ ba cụ cầu mong được phúc, được lộc, được thọ. Người sang thì có cả ba cụ bằng gốm Tàu rõ to, rõ đẹp. Người tầm tầm thì bằng gỗ pơ-mu hoặc sứ Bát Tràng…

Xin thưa, theo truyền thuyết, cả ba cụ đều là người Hán và dĩ nhiên đều sinh ra ở Trung Nguyên. Và ba cụ đều làm quan to ở ba triều đại.

Hãy kể theo thứ tự, bắt đầu từ cụ Phúc. Cụ Phúc tên thật là Quách Tử Nghi, Thừa tướng đời Đường. Cụ xuất thân vốn là quý tộc, đồng ruộng bát ngát hàng trăm mẫu, nhưng suốt cuộc đời tham gia triều chính, cụ sống rất liêm khiết, thẳng ngay. Không vì vinh hoa, phú quý mà làm mất nhân cách con người.

Cụ bà và cụ ông bằng tuổi nhau. Người Việt ta có câu: “Cùng tuổi nằm duỗi mà ăn”. Còn theo người Hoa Hạ ở Trung Nguyên thì vợ chồng cùng tuổi là rất tốt. Họ có thể điều hòa sinh khí âm, khí dương cho nhau. Vì vậy, có thể bớt đi những bệnh tật hiểm nguy. Lại cùng tuổi nên dễ hiểu nhau, dễ thông cảm cho nhau, nên hai cụ rất tâm đầu, ý hợp. Hai cụ 83 tuổi đã có cháu ngũ đại. Lẽ dĩ nhiên phải là nam tử rồi. Cụ Phúc thường bế đứa trẻ trên tay là như vậy. Theo phong tục của người Hoa cổ đại, sống đến lúc có cháu ngũ đại giữ ấm chân nhang của tổ tiên là sung sướng lắm lắm! Phúc to, phúc dày lắm lắm! Bởi thế cụ mới bế thằng bé, cháu ngũ đại, đứng giữa đời, giữa trời, nói:

- Nhờ giời, nhờ phúc ấm tổ tiên, ta được thế này, còn mong gì hơn nữa. Rồi cụ cười một hơi mà thác. Được thác như cụ mới thực sự được về cõi tiên cảnh nhàn du.

Cụ bà ra ôm lấy thi thể cụ ông và chít nội than rằng:

- Tôi cùng tuổi với chồng tôi. Phúc cũng đủ đầy, dày sâu, sao giời chẳng cho đi cùng…

Ai có thể ngờ, nói dứt lời cụ bà cũng đi luôn về nơi chín suối. Hai cụ được con cháu hợp táng. Vậy là sống bên nhau, có nhau, chết cũng ở bên nhau, có nhau. Hỏi còn phúc nào bằng. Và cụ được người đời đặt tên là Phúc.

Cụ thứ hai là cụ Lộc. Cụ Lộc tên thật là Đậu Từ Quân, làm quan đến chức Thừa tướng nhà Tấn. Nhưng cụ Đậu Từ Quân là một quan tham. Tham lắm. Cụ hưởng không biết bao nhiêu vàng bạc, châu báu, là của đút lót của những kẻ nịnh thần, mua quan, bán tước, chạy tội cho chính mình, cho con, cho cháu, cho thân tộc.

Trong nhà cụ, của chất cao như núi. Tưởng cụ Đậu Từ Quân được như thế đã là giàu sang, vinh quang đến tột đỉnh. Cụ chỉ hiềm một nỗi, năm cụ tám mươi tuổi vẫn chưa có đích tôn. Do vậy cụ lo nghĩ buồn rầu sinh bệnh mà chết. Cụ ốm lâu lắm. Lâu như kiểu bị tai biến mạch máu não bây giờ. Cụ nằm đến nát thịt, nát da, mùi hôi thối đến mức con cái cũng không dám đến gần. Đến khi chết, cụ cũng không nhắm được mắt. Cụ than rằng:

- Lộc ta để cho ai đây? Ai giữ ấm chân nhang cho tổ tiên, cho bản thân ta?

Còn cụ thứ ba, cụ Thọ. Cụ Thọ tên là Đông Phương Sóc, làm Thừa tướng đời Hán. Triết lý làm quan của cụ Đông Phương Sóc là quan thì phải lấy lộc. Không lấy lộc thì làm quan để làm gì. Cụ coi buôn chính trị là buôn khó nhất, lãi to nhất. Nhưng cụ Đông Phương Sóc vẫn là quan liêm. Bởi cụ nhất định không nhận đút lót. Cụ chỉ thích lộc của vua ban thưởng. Được bao nhiêu tiền thưởng, cụ lại đem mua gái đẹp, gái trinh về làm thê thiếp. Người đương thời đồn rằng, trong dinh cụ, gái đẹp nhiều đến mức chẳng kém gì cung nữ ở cung vua.

Cụ thọ đến 125 tuổi. Nên người đời mới gọi cụ là ông Thọ. Trước khi về chốn vĩnh hằng, cụ Thọ còn cưới một cô thôn nữ xinh đẹp mới mười bảy tuổi. Cụ Đông Phương Sóc bảo, cụ được thọ như vậy là nhờ cụ biết lấy-âm-để-dưỡng-dương.

Do cụ Đông Phương Sóc muốn có nhiều tiền để mua gái trẻ làm liều thuốc dưỡng dương, cho nên suốt cuộc đời của cụ, cụ chỉ tìm lời nói thật đẹp, thật hay để lấy lòng vua. Có người bạn thân khuyên cụ:

- Ông làm quan đầu triều mà không biết tìm lời phải, ý hay can gián nhà vua. Ông chỉ biết nịnh vua để lấy thưởng thì làm quan để làm gì.

Cụ Đông Phương Sóc vuốt chòm râu bạc, cười khà khà bảo:

- Làm quan không lấy thưởng thì tội gì mà làm quan. Can gián vua, nhỡ ra vua phật ý, tức giận, chém đầu cả ba họ thì sao?

Cụ Đông Phương Sóc 125 tuổi mới chịu từ giã cõi đời. Khi cụ chết thì con không còn, cháu cũng đã hết cơm hết gạo mà chắt đích phải làm ma, phải thay cha, thay ông, chở cụ nội. Vậy làm quan như cụ, thọ như cụ phỏng có ích gì?

Qua ba bức tượng Phúc, Lộc, Thọ người đời thấy, người Hoa Hạ thật là tài giỏi. Họ đã khéo xếp ba vị thừa tướng, ba tính cách khác nhau ở ba triều đại khác nhau để răn đời.

Trong ba điều ước Phúc, Lộc, Thọ ấy chỉ có thể được một mà thôi.

( Theo Chút lưu lại)